BÍ MẬT CỦA MỘT CÁI HỒ
Năm 1853, nước Thụy Sĩ bị hạn hán lớn. Các sông ngòi và hồ ao đều bị
cạn, nhiều nơi trơ đáy cát. Nhân dân thị trấn Ô-be-mai-len bên bờ hồ Duy-
rích muốn nhân dịp đó lấp một phần hồ để có thêm đất trồng trọt.
Người ta đắp một con đê ngăn riêng một phần hồ khô cạn trơ đất cát ra.
Mọi người bắt tay vào công việc. Nơi đây, trước kia, trong những ngày
chủ nhật, nhân dân thành phố áo quần đẹp đẽ dạo chơi trên những chiếc
thuyền nhiều màu sắc, còn bây giờ chỉ thấy tiếng thúc ngựa của mấy ông xà
ích và từng đoàn xe ngựa chở đất đến đắp đê. Người ta lấy đất ngay tại đáy
hồ khô cạn. Một người thợ đào đất thấy lưỡi xẻng thúc phải một cái cọc gỗ
nửa ngoài đã mục nát. Sau đó người ta tìm được cọc thứ hai, thứ ba... Rõ ràng
ở đây ngày xưa đã có người ở và làm việc. Về sau người ta đào được một lô
những rìu đá, lưỡi câu, mảnh đồ gốm, v.v... Các nhà khảo cổ vội tìm đến đó
nghiên cứu tỉ mỉ các đồ vật tìm thấy ở đáy hồ, và cuối cùng đã dựng lại được
trong các cuốn sách quang cảnh cả cái làng trên mặt hồ Duy-rích.
Ngày xưa người ta lập những làng tương tự như vậy trên mặt nước, bằng
những cọc gỗ ở nước Nga, trên sông Cli-a-dơ-ma, gần Mát-xcơ-va và bên bờ
sông Vê-lét-ma, gần thành phố Mu-rom. Ở các nơi đó đã đào được rất nhiều
xương cá, lao ném cá, lưỡi câu, v.v…