Các nhà khảo cổ học đã khảo sát thêm hồ Nơ-sa-ten ở Thụy Sĩ. Khi đào
đáy hồ, họ phát hiện thấy ở đáy gồm nhiều lớp khác nhau.
Giống như trong bánh nhân dễ phân biệt lớp bột mì với nhân, các lớp ở
đáy hồ cũng được phân biệt. Lớp dưới cùng là cát rồi đến một lớp bùn lẫn lá
dong mục và vết tích của nhà ở, bát đĩa, công cụ. Bên trên lại là một lớp cát
nữa, và cứ như thế hợp thành nhiều lớp đất chồng chất lên nhau. Và có một
chỗ lại thấy một lớp than xen vào giữa các lớp đất.
Các lớp này hình thành như thế nào?
Cát thì do nước chảy cuốn đến. Còn than thì vì sao mà có? Chỉ có thể cắt
nghĩa là do lửa mà có than.
Các nhà bác học sau khi khảo sát kỹ các lớp đất đã dựng lại cả quá khứ
của cái hồ này.
Đã lâu lắm rồi, vào một thời nào đó có một toán người đến lập một cái
làng ở bờ hồ. Về sau, nhân một kỳ nước lũ dâng cao, nước hồ đã tràn ngập cả
làng đó.
Dân làng vội bỏ làng ra đi. Các ngôi nhà mục nát dần và trở nên hoang
tàn. Các loài tôm, cá tha hồ bơi lội hoành hành giữa những căn nhà đổ nát
ngâm dưới nước hồ. Bùn và đất cát dần dần phủ kín cả làng.
Nhưng về sau nước hồ rút đi, và bãi cát lại phơi ra. Còn dấu vết các ngôi
nhà thì đã vùi sâu dưới lớp cát dày.
Lại có những người khác đến làm nhà ở bên bờ hồ.
Cuộc đấu tranh dai dẳng giữa hồ và con người tiếp tục mãi. Người thì xây
dựng, hồ thì phá hoại.
Cuối cùng con người sốt ruột vì cứ phải bị động chống đỡ mãi với nước
hồ, nên không xây dựng nhà ở bên hồ nữa, mà làm nhà ngay ở trên mặt hồ,
trên một lớp cọc cao cắm xuống đáy hồ. Từ nay về sau, nước hồ tha hồ lên
xuống mà không còn đe dọa được con người nữa.
Nhưng lại còn một kẻ thù đáng sợ khác: đó là lửa.