Muốn có những nguyên liệu đó, người ta phải lấy những vật liệu sẵn có
trong thiên nhiên rồi đem chế biến mãi, cho đến khi nó không còn giống
trước chút nào nữa. Gang không giống quặng sắt đã tạo ra nó. Sứ thì khác
hẳn đất sét là nguyên liệu đã được dùng để làm ra sứ. Và còn bê-tông, chất
dẻo, cao-su, lụa nhân tạo, v.v. Biết bao thứ nguyên liệu không thể tìm thấy
trong thiên nhiên!
Trong khi làm chủ được vật chất, con người đã khám phá được bao nhiêu
bí mật của tạo hóa. Thoạt đầu, con người chỉ mới biết thay đổi hình dạng các
hòn đá bằng cách lấy hòn nọ đập vào hòn kia. Ngày nay người ta đã có thể
biến đổi tùy theo ý muốn cả những phần tử nhỏ đến nỗi mắt thường không
sao nhìn thấy.
Công việc biến đổi các chất liệu trong thiên nhiên đó đã bắt đầu được tiến
hành từ lâu lắm rồi, ngay từ trước khi có hóa học là khoa học về vật chất. Lúc
đầu con người làm mò mẫm, gần như không hiểu rõ việc mình làm.
Thí dụ việc làm của những người thợ đồ gốm đầu tiên, khi họ đem nung
những cái bình, cái lọ nặn được. Đây không phải đơn giản như việc dùng sức
mạnh đập hoặc mài các đồ đá để thay đổi hình dáng bề ngoài của đá. Ở đây
người ta muốn tìm ra một sức mạnh mới có thể làm đảo lộn, biến đổi hẳn cả
sự cấu tạo bên trong của vật chất.
Sức mạnh mới đó chính là lửa. Con người đã biến được lửa thành bạn
đồng minh của mình. Chính nhờ có lửa mà người ta biến được đất sét thành
đồ gốm, biến bột mì thành bánh, và nấu chảy được đồng trong thiên nhiên.
Cùng với những đồ dùng bằng đá, người ta đã tìm thấy ở dưới đáy hồ một
số dụng cụ bằng đồng đầu tiên.