cờ. Khi Nét-nô-qua đến một đồn canh của người Anh, bà đã được đón tiếp rất
long trọng, người ta bắn pháo hoa chào mừng bà. Không chỉ có những người
da đỏ kính trọng bà, mà nay cả những người da trắng cũng ngưỡng mộ.
Trong tình thế đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi người ta căn cứ vào
người mẹ để định dòng dõi của con cái. Ở châu Âu, con mang họ của người
bố, còn ở đây thì con mang họ của thị tộc người mẹ. Thí dụ: nếu bố thuộc về
thị tộc “Hươu” và mẹ thuộc thị tộc “Gấu”, thì các con cái sẽ thuộc về thị tộc
“Gấu”. Thị tộc bao gồm những người phụ nữ, con cái của họ, con cái của
những con gái của họ và những con cái của những cháu gái của họ.
Tất cả những cái đó hoàn toàn khó hiểu đối với người Âu. Họ gọi những
người da đỏ là những người “dã man”, và coi phong tục của những người đó
là hết sức man rợ.
Người ta đã quên rằng, ở thời kỳ thịnh hành của cung tên, của những cái
thuổng và bè nứa đầu tiên thì những phong tục ấy cũng đã từng có ở châu Âu.
Trong những bút ký viết về châu Mỹ, những di dân đầu tiên đến chinh
phục đất này mô tả những thủ lĩnh của các bộ lạc như một loại quý tộc, như
những chúa đất. Họ coi chức vụ của người thủ lĩnh đó như một danh vị, coi
danh hiệu của bộ lạc như là phù hiệu trang trí của bộ lạc đó.
Trong tác phẩm của họ, hội đồng thủ lĩnh biến thành một nghị viện, người
thủ lĩnh trưởng trở thành một ông vua. Như vậy tức là đã coi ông đại nguyên
soái chỉ huy các lực lượng vũ trang là một ông vua, tức là lầm lẫn chức vụ
với danh vị.
Trong hàng mấy thế kỷ, những người da trắng ở châu Mỹ đã không sao
hiểu được phong tục của những người dân địa phương. Cho mãi đến khi một
người Mỹ là Moóc-gan, với cuốn sách “Cái xã hội cổ xưa” đã khám phá ra
thế giới mới một lần thứ hai... Moóc-gan đã chứng minh rằng những thể chế
trong bộ tộc của người I-rô-kê và người A-dơ-tếch củng chỉ là một giai đoạn
phát triển mà những người châu Âu đã vượt qua từ lâu.