Nhưng tài sản mà họ cùng nhau bảo vệ, lúc này không còn là tài sản
chung nữa. Tuy mọi người đều có họ hàng với nhau, nhưng một số gia đình
có nhiều cừu, bò và ngựa hơn những gia đình khác.
Những huyền thoại cổ xưa cho ta biết rằng trong ngôn ngữ lúc ấy đã xuất
hiện chữ “giàu”. Người ta không chỉ nói đơn giản là “giàu”, mà là “giàu gia
súc”, “giàu ngựa” v.v.
Cứ mỗi cuộc tấn công mới vào pháo đài của bộ tộc khác lại nhân lên gấp
bội đàn gia súc của các thủ lĩnh của đội quân thắng trận và làm tăng khoảng
cách giữa kẻ giàu và người nghèo.
Tônxtốp và đoàn cán bộ của ông cũng đã tìm được giữa những đụn cát
những tòa nhà và thành phố - pháo đài thuộc thời kỳ muộn hơn.
Đó là một công trình nghiên cứu to lớn và vất vả, kéo dài nhiều năm. Các
bác học Liên Xô đã thực hiện cuộc hành trình bằng mọi phương tiện - máy
bay, ô tô, thuyền và lạc đà, để tìm vết tích của một thế giới đã mất hút từ lâu.
Có lúc ngồi trên lưng lạc đà hoặc trên một ngọn đồi chỉ nhìn thấy những gò
đống phủ một lớp đất màu xám.
Nhưng từ trên máy bay nhìn xuống sa mạc thì trước tầm mắt hiện rõ sơ
đồ mặt bằng của các bức tường, đường phố và ngôi đình lớn.
Xem xét và so sánh những ngôi nhà và thành phố mà họ đã khám phá ra,
các nhà bác học đã hình dung thấy quá trình quá độ từ chế độ bộ lạc nguyên
thủy đến chế độ nô lệ.
Đây là cái nhà - lều của dân chài vùng Gianbaxơ-Cala. Lúc này ở đây
chưa có kẻ giàu và người nghèo. Mọi bếp lửa đều như nhau, mọi người đều
bình đẳng, vì họ đều nghèo như nhau. Nhà không kiên cố, vì không có của
cải nhiều phải bảo vệ.
Cũng ở vùng này các nhà bác học đã tìm thấy vết tích của một “tòa nhà
dài” làm bằng đất sét. Những bếp lửa được bố trí thành một dãy trong hai
hành lang dài 50 m.