Như vậy cái hang đá kia đã là nơi trú ẩn của cả một đàn người-vượn
Trung Quốc. Trải qua hàng chục vạn năm, nhiều xương đã thất lạc, có khi bị
thú dữ tha đi. Những cái xương còn lại cũng đủ để giúp ta hình dung được
hình dáng của người-vượn đó, vì các nhà bác học có khả năng dựa vào một
vài cái xương tìm thấy mà phác ra được toàn bộ hình dáng của thân thể.
Vậy người-vượn thời tiền sử đó dáng dấp ra sao?
Phải nói ngay rằng nó chẳng xinh đẹp chút nào.
Giá thử chúng ta bất thình lình gặp phải người-vượn đó, chắc là sẽ rùng
mình ghê sợ: mặt nó nhô hẳn ra phía trước, hai tay dài đầy lông lá, hệt như
một chú khỉ. Nhưng cảm giác đầu tiên đó sẽ thoảng qua thôi, và chúng ta sẽ
nhận thấy là đã lầm. Không một con khỉ nào có thể đi đứng thẳng người như
vậy và có bộ mặt giống con người như vậy được.
Muốn xua tan mọi nỗi hoài nghi, chúng ta hãy rón rén bước theo người-
vượn Trung Quồc về hang.
Người-vượn đang lê bước dọc theo con sông, chân cong bước nặng nề.
Bỗng nhiên hắn ngồi xệp xuống bãi cát vì thấy một hòn đá to. Hắn nhắc hòn
đá lên ngắm nghía, đập mạnh hòn đá ấy vào một hòn đá khác, rồi lại đứng
dậy cầm lấy hòn đá tiếp tục đi nữa.
Theo sau hắn, chúng ta trèo lên bờ sông dốc cao. Bè bạn của người-vượn
đã tụ tập ở cửa hang. Một lão già râu ria lởm chởm đang mổ xẻ một con sơn
dương bằng một dụng cụ bằng đá. Cạnh đó, một lũ đàn bà dùng tay xé thịt
sống. Một đàn trẻ con chìa tay xin những miếng thịt vụn. Tất cả cảnh tượng
đó được ánh lửa đốt trong hang chiếu sáng.
Bây giờ ta không còn nghi ngờ gì nữa: giống khỉ đâu có biết đốt lửa và
làm ra công cụ bằng đá!
Nhưng người ta có quyền chất vấn: “Làm thế nào chứng minh được rằng
người-vượn Trung Quốc biết sử dụng công cụ và lửa?”