Những chứng cớ đó tìm thấy ở ngay trong hang Chu-khẩu-điếm. Đào bới
trong hang thì tìm được không những là xương mà còn nhiều thứ khác: cả
một tầng tro dày lẫn với đất và một đống dụng cụ bằng đá đẽo gọt thô sơ.
Tổng số dụng cụ đó tới hơn hai nghìn cái và tầng tro dày tới bảy mét.
Như vậy rõ ràng là đám người-vượn Trung Quốc đã sống trong hang này
rất lâu năm và đã đốt lửa ở đó hàng bao năm trời.
Có lẽ người-vượn thời đó chưa biết tự mình làm ra lửa mà họ mới chỉ biết
tìm ra lửa đã cháy sẵn, cũng như họ đi kiếm rễ cây để ăn và tìm đá để mài
thành công cụ.
Người-vượn có thể tìm ra lửa trong những đám cháy rừng. Hắn nhặt vài
cành cây đang cháy nâng niu mang về cho khỏi tắt lửa. Về đến hang, hắn ấp ủ
lửa như vàng, đặt vào một chỗ kín gió và không bị mưa dột để không bao giờ
lửa bị tắt ngấm đi.
Cách đây không lâu, vào năm 1959, tại Tan-ga-nhi-ca, nhà khoa học Anh
Lu-it Li-ki đã tìm thấy một xương sọ của người nguyên thủy, còn xa xưa hơn
cả loài người-vượn Bắc Kinh. Loài người-vượn tìm thấy ở Tan-ga-nhi-ca, tên
khoa học gọi là Ginơ-gian-trốp, sống ở rừng châu Phi đã trên 1 triệu 700
nghìn năm về trước. Nó đã xuất hiện sớm hơn loại người-vượn Bắc Kinh
hàng trăm nghìn năm. Cái quan trọng nhất là ở châu Phi, người ta đã tìm
được xương của con người thuộc vào thế hệ cháu và chắt của loại vượn người
Ginơ-gian-trốp. Rất có khả năng là “cháu, chắt” này là những người cùng
thế hệ với loài người-vượn Bắc Kinh.