một người, mà là của nhiều người. Đây chẳng còn là chuyện đùa nữa rồi. Một
khi không phải là chuyện đùa, thì là gì nào?
Tôi đã cố tìm câu trả lời cho câu hỏi này ngay trong cái đêm con tàu đưa
tôi quay trở về và trong mấy ngày sau đó nữa. Tôi hiểu thế này: một khi
chuyện đùa đã bị loại trừ thì khả năng lá thư chẳng có nghĩa lý gì, nó chỉ là
một phương tiện, thư để mà thư, chẳng có ý gì, cũng không còn nữa. Cho nên
phải quay trở lại với giả thuyết, mỗi tờ giấy trắng đều hàm chứa một nội dung
riêng, hoàn toàn riêng. Đúng là mực hóa học rồi. Phải bôi hóa chất thích hợp
thì chữ mới hiện lên. Tôi lao ngay tới phòng thí nghiệm. Song các thử
nghiệm đều cho kết quả chẳng ăn nhằm gì: đó chỉ là những tờ giấy trắng,
không hơn, không kém.
Dù sao những tờ giấy trắng này nhất định phải ẩn chứa nội dung gì đó.
Một khi tìm cách đọc chữ không xong, thì đành phải xác định bản chất của
chúng bằng phương pháp quy nạp, đi tới những kết luận về tâm lý của động
cơ khả dĩ của người gửi.
Phải chăng đó là một sự bộc lộ tình yêu? Dễ như vậy lắm. Có lẽ là muốn
tỏ tình, nhưng mà xấu hổ không dám nói ra, người đàn bà tôi chưa biết mặt
đã gửi tới tôi những tờ giấy trắng này. Sự thỏa hiệp giữa tình cảm và tính lịch
thiệp được biểu đạt dưới dạng những tờ giấy mẫu chưa điền. Phát hiện này
làm rạo rực lòng tôi. Tôi sắm ngay một chiếc cà vạt mới và hai ngày liền tôi
hát thầm lúc cạo râu. Đối với cô nàng chưa biết mặt này tôi cảm thấy mình có
cái gì đó thương thương thực bụng, rất khó nói và phấn khích. - Tội nghiệp
cô bé... - tôi thầm nghĩ, miệng nở nụ cười tinh khôn, bao dung - nàng tuy rụt
rè song say đắm, đầy cảm hóa.
Một cô bé hả? Tôi ngẫm nghĩ. Không, có kẻ nào đó điều khiển các
phương tiện như thế này, mà có khi cả một tổ chức cũng nên, nhưng họ
không nêu tên. Hay đó là một bậc mệnh phụ, tầm cỡ quốc tế. Một trường hợp
hiếm hoi? Niềm xúc cảm tác động vào người đàn bà không phải bình thường
đó mãnh liệt tới độ đã biến bà ta thành một nữ sinh trường nội trú. Phải đi
sắm một đôi giày cao cổ nữa mới được.