Những chiến sĩ du kích chống lại quân đội Đức Quốc xã, phía sau
chiến tuyến Liên Xô - Đức, cũng không bao giờ tra tấn ai cả, tôi tin chắc
một điều như vậy, họ cũng không hãm hiếp phụ nữ, vì chỉ có những thế lực
phản động chống lại lực lượng cách mạng và lẽ phải mới gây nên những tội
ác ghê tởm là hãm hiếp, cướp bóc, đốt phá ở khấp mọi nơi chúng đi qua.
Mặc dù không ai có thể biết được chuyện gì đã xảy ra trên những chiến
trường ác liệt trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Theo tôi thì vẫn có những
trường hợp các bên hành hình tù binh của nhau, bởi vì chắc chắn một điều
là những tên lính Quốc xã không bao giờ để cho người chiến sĩ Bôn-sê-vích
nào thoát khỏi tay chúng mà còn giữ nguyên tính mạng, và tôi cũng thực sự
không thể biết là những người trong phong trào kháng chiến Xô Viết đã đối
xử như thế nào với những tên lính Quốc Xã bị bắt làm tù binh. Tôi không
nghĩ là họ có thể làm giống như những gì chúng tôi đã làm. Vì nếu chỉ cần
họ thả một trong những tên phát xít đó ra, ngay ngày hôm sau hắn sẽ tiếp
tục giết những người Xô Viết, sát hại trẻ em, hãm hiếp phụ nữ. Trong
trường hợp này, tôi cũng phải nói rằng họ hoàn toàn có đủ lý do và cơ sở để
loại bỏ những tên đó ra khỏi vòng chiến đấu.
Ở Mêhicô, năm 1910, đã nổ ra một cuộc Cách mạng vô cùng dữ dội
kéo dài trong nhiều năm, và cả ở Tây Ban Nha, năm 1936, cũng xảy ra một
cuộc Nội chiến đẫm máu...
Và cả hai bên đều có những hành động cực kỳ tàn bạo, dã man...
Ở Tây Ban Nha khi đó, thậm chí cả trong vùng hậu cứ cũng có những
trận chiến ác liệt. Đó chính là nguồn cảm hứng cho Hemingway viết cuốn
tiểu thuyết Chuông nguyện hồn ai
[160]
. Lịch sử về những gì xảy ra ở vùng
hậu cứ trong Nội chiến Tây Ban Nha đã rất có ích cho chúng tôi - chúng tôi
đã biết làm thế nào mà những chiến sĩ du kích của phe Cộng hòa ở phía sau
lực lượng của Franco đã thu giữ được rất nhiều vũ khí của kẻ thù. Cuốn
sách đó giúp chúng tôi hình thành nên cuộc Chiến tranh du kích của riêng
mình.
Qua tiểu thuyết của Hemingway?