Ông muốn đề nghị Nhà thờ Công giáo sửa lại điều đó?
Hừm, thật ra tôi không hề yêu cầu Nhà thờ phải thay đổi hay sửa chữa
lại những gì thuộc về tín ngưỡng. Nhưng chính cố Giáo hoàng John Paul II,
một người dũng cảm và đầy quyết tâm, đã nói rằng thuyết tiến hóa không
có gì mâu thuẫn với thuyết sáng thế.
Thỉnh thoảng tôi có trao đổi với các hồng y và giám mục về chủ đề
này. Vẫn là hai điểm tôi vừa nói đến. Tôi tin là với sự khôn ngoan của một
thể chế đã tồn tại hơn 2000 năm qua, lẽ ra họ phải đóng góp về lý tưởng
bình đẳng cho phụ nữ, cần giải phóng cho phụ nữ khỏi cái án đã kết tội họ
là nguồn gốc gây ra mọi nỗi khổ cho thế gian này, và rũ bỏ tư tưởng rằng
người da đen là sự trừng phạt của Chúa chỉ vì một người con trai của Noah
đã giễu cợt cha mình.
Chính ông cũng đã nổi loạn chống lại cha mình, đúng không?
À, thật ra tôi không hề nổi loạn chống lại cha mình, khó có thể làm
vậy được, vì ông là một người có trái tim cao thượng. Tôi chỉ nổi loạn
chống lại sự độc đoán.
Ông không thể chịu nổi sự độc đoán.
Chuyện này có cả một lịch sử lâu dài. Nó không chỉ nổ bùng ra khi tôi
khoảng mười hay mười hai tuổi, bởi vì tôi đã bắt đầu trở thành một người
nổi loạn từ trước đó rất lâu, có lẽ phải từ sáu hay bảy tuổi gì đó.
Còn những kỷ niệm nào đáng nhớ khác về thời thơ ấu của ông ở
Birán?
Tôi còn nhớ rất nhiều chuyện. Và chắc chắn trong đó có nhiều kỷ
niệm đã tác động đến tôi rất mạnh mẽ. Nhưng có điều lạ là chuyện chết
chóc không hề ghi dấu ấn gì đáng kể đến thời thơ ấu của tôi, mặc dù tôi có
mất một người thân là dì Antonia, người qua đời khi sinh con, lúc tôi lên ba
tuổi. Tôi còn nhớ không khí buồn bã trong gia đình tôi, cảm giác bi kịch
nặng nề của người lớn. Dì là em gái mẹ tôi và kết hôn với một người Tây
Ban Nha làm việc cùng cha tôi ở Birán - chú ấy là quản lý một khu vực
trồng mía ờ đó. Tên chú ấy là Soto. Tôi nhớ là chúng tôi đã đi bộ dọc theo
một con đường đất lầy lội giữa cánh đồng mía, những người phụ nữ khóc
lóc mãi, cho đến khi chúng tôi đến một ngôi nhà gỗ nhỏ. Tôi nhớ chuyện