“Nào, ông Gardner, chúng ta bắt đầu thôi. Hãy bắt đầu ‘By the time I get
to Phoenix’.”
Và tôi dạo khe khẽ một đoạn ngắn mở đầu, chưa vào phách, theo kiểu có
thể bắt vào bài hát mà cũng có thể dễ dàng tan đi. Tôi cố làm cho tiếng đàn
gợi lên nước Mỹ, quán bên đường buồn bã, đường cao tốc rộng dài, và tôi
nghĩ lúc ấy tôi cũng nhớ cả về mẹ, về những lần tôi vào phòng thấy mẹ ngồi
trên xô pha nhìn chăm chăm bìa đĩa hát có hình một con đường Mỹ, hoặc có
khi hình ca sĩ ngồi trên chiếc xe hơi Mỹ. Ý tôi là, tôi cố gắng chơi sao cho
nếu mẹ tôi nghe được, bà cũng sẽ nhận ra bài hát đến từ thế giới ấy, thế giới
vẽ trên bìa đĩa.
Rồi trước khi tôi nhận ra, trước khi tôi kịp vào một phách đều đặn nào,
ông Gardner bắt đầu hát. Tư thế ông đứng, trên chiếc thuyền gondola, khá
chênh vênh, khiến tôi chỉ sợ ông có thể mất thăng bằng bất kỳ lúc nào.
Nhưng giọng ông vẫn hệt như tôi còn nhớ - dịu dàng, gần như khàn khàn,
nhưng với một âm lượng mãnh liệt, như phát ra qua một chiếc micro vô
hình. Và cũng như mọi ca sĩ Mỹ tài danh, giọng hát ông có vẻ mệt mỏi,
thậm chí có nét lưỡng lự, như thể người đàn ông ấy không quen phơi trần
trái tim như thế này. Mọi nghệ sĩ lớn đều như thế.
Chúng tôi đi trọn bài hát ấy, bài hát chỉ gồm lên đường và tiễn biệt.
Người đàn ông Mỹ rời bỏ người tình. Anh ta nghĩ đền cô trong lúc đi qua
hết thị trấn này đến thị trấn khác, hết lời này sang lời khác, Phoenix,
Albuquerque, Oklahoma, cho xe chạy trên con đường dài mẹ tôi sẽ không
bao giờ được thấy. Giá mà chúng ta có thể bỏ lại mọi thứ sau lưng như này
– tôi đoán chừng mẹ tôi đã nghĩ vậy. Giá mà nỗi buồn cũng được thế này.
Chúng tôi kết thúc bài hát và ông Gardner nói: “Được rồi, giờ chúng ta
sang thẳng bài sau. ‘I fall in love too easily’.”
Đây là lần đầu đệm cho ông Gardner, tôi phải mày mò khá nhiều cho
khớp, nhưng chúng tôi cũng chơi khá được. Sau câu chuyện ông kể về bài