Charlie là bạn thân nhất của tôi ở trường. Năm nhất ấy, chúng tôi cặp kè
với nhau mọi nơi mọi lúc và tôi quen Emily là vì thế. Tới năm hai, Charlie
và Emily cùng bạn thuê chúng một ngôi nhà trong thành phố và dù tôi đến
thăm họ thường xuyên song những cuộc chuyện trò với Emily bên chiếc
may quay đã trở thành quá khứ. Mới đầu là mỗi lần tôi ghé qua đã có vài
sinh viên khác ngồi đó, tán chuyện và đùa cợt, thứ nữa là bây giờ có một bộ
dàn stereo thứ xịn gầm rú nhạc rock khiến người ta phải hét lên mới nghe
thấy nhau.
Charlie và tôi vẫn chơi thân trong những năm sau đó. Chúng tôi không
gặp nhau nhiều như trước, nhưng chủ yếu là do ở xa. Tôi đã ở đây, ở Tây
Ban Nha vài năm, lại cả Ý và Bồ Đào Nha nữa, trong khi Charlie từ trước
đến giờ vẫn ở Luân Đôn. Nhưng nếu nghe thế mà nghĩ tôi thuộc loại bay
nhảy còn cậu ấy bó gối trong nhà thì sẽ buồn cười lắm. Bởi thực ra Charlie
mới là người bay đi khắp nơi – Texas, Tokyo, New York – tới những cuộc
họp cấp cao, trong khi tôi quanh quẩn trong tòa nhà ẩm mốc năm này qua
năm khác, chấm những bài tập đánh vần hay nhắc đi nhắc lại một bài hội
thoại bằng thứ tiếng Anh tua chậm. Tên-tôi-là-Ray. Tên-anh-là-gì? Anh-có-
con-không?
Khi tôi quyết định dạy tiếng Anh sau khi tốt nghiệp, cuộc đời có vẻ khá
suôn sẻ - gần như cuộc sống sinh viên kéo dài. Các trường dạy tiếng đang
bùng nổ khắp châu Âu, và tuy việc dạy học có nhạt nhẽo và những giờ dài
có nhọc nhằn, ở tuổi ấy người ta không lo nghĩ lắm. Anh bỏ thời gian trong
bar là chính, bạn bè dễ kiếm, lại còn cảm giác anh thuộc về cái mạng lưới
rộng lớn trải khắp hoàn cầu. Anh gặp những người vừa chân ướt chân ráo từ
Peru hay Thái về, khiến anh nghĩ chỉ cần muốn là anh có thể phiêu du
quanh thế giới vô hạn định, nhờ những quan hệ này mà kiếm một việc làm
ở bất cứ góc địa cầu nào anh thích. Và anh sẽ luôn luôn là một thành viên
của cái gia đình đông đúc, ấm cúng toàn những giáo viên lưu động này, gật
gù bên ly kể cho nhau chuyện những cựu đồng nghiệp, những hiệu trưởng
khùng, những chuyên viên Hội đồng Anh lập dị.