Nhưng tất nhiên tôi không thể cứ thế chạy ào đến chỗ ông, đẩy nhào bàn
ghế xung quanh được. Vẫn còn phải chơi cho xong suất. Đấy thật là một
cực hình, anh thử nghĩ xem, chơi ba bốn bài nữa trong khi bất cứ lúc nào tôi
cũng tưởng như ông sắp đứng dậy bỏ đi. Nhưng ông vẫn ngồi đấy, một
mình, cứ nhìn cốc cà phê, khuấy chầm chậm như băn khoăn không hiểu bồi
bàn mang cho mình thứ gì. Trông ông cũng giống như mọi du khách Mỹ
khác, áo sơ mi xanh nhạt bẻ cổ và quần ống rộng màu xám. Tóc ông trên
bìa đĩa đen và láng mượt là thế, giờ đã gần bạc, nhưng vẫn còn rất dày, và
vẫn chải nuột nà theo cùng một kiểu ngày xưa. Khi tôi mới nhìn ra ông, ông
cầm cặp kính đen trong tay – tôi không hiểu nếu không phải thế thì liệu
mình có nhận ra ông không – nhưng trong lúc ban nhạc cứ chơi và tôi cứ
nhìn, ông đẩy kính lên mắt, rồi lại bỏ ra, rồi lại đeo vào. Có vẻ ông đang
chìm đắm trong suy nghĩ, và tôi hơi thất vọng thấy ông không để ý lắm đến
nhạc chúng tôi chơi.
Rồi suất diễn cũng xong. Tôi vội vã ra khỏi rạp mà không nói gì với mọi
người, đi thẳng đến bàn Tony Gardner, rồi trong một giây hoảng hốt không
biết phải bắt chuyện thế nào. Tôi đứng sau lưng ông, nhưng giác quan thứ
sáu nào đó đã mách ông quay lại nhìn lên tôi – chắc là do bao nhiêu năm
được fan săn đón – và tích tắc sau tôi đã tự giới thiệu mình, rằng tôi hâm
mộ ông đến mức nào, rằng tôi chơi trong ban nhạc ông vừa nghe, rằng mẹ
tôi là fan ruột của ông, cứ thế một lèo. Ông lắng nghe hết sức nghiêm nghị,
lúc lúc lại gật đầu như bác sĩ nghe bệnh nhân. Tôi cứ nói hoài mà ông chỉ
đôi lúc bảo “Thế à?” Sau một lúc tôi nghĩ thế là đủ rồi và chuẩn bị xin phép
đi thì ông nói:
“Thế ra anh là người ở mấy nước cộng sản ấy đấy. Sống ở đấy chắc khó
khăn.”
“Đấy là ngày xưa thôi.” Tôi làm bộ vui vẻ nhún vai. “Bây giờ chúng tôi
có một đất nước tự do. Và dân chủ.”