muốn hái đào ở California, dân da trắng nghèo từ những vùng rừng rú muốn
chế tạo xe hơi ở Detroit, bọn da đen ở Mississippi muốn lên tận New
England và làm việc trong các nhà máy đóng giày hoặc xưởng dệt. Tất cả
mọi người - đen cũng như trắng - đều nghĩ rằng nhảy sang vùng đất kế cận
sẽ tốt đẹp hơn. Đấy là cuộc sống khốn kiếp kiểu Mỹ. Thậm chí một gã
khổng lồ như Coffey đi khắp nơi mà vẫn không bị để ý... cho đến lúc, nghĩa
là, gã quyết tâm giết hai bé gái. Những bé gái da trắng.
- Anh tin điều đó? - Tôi hỏi.
Anh ta ném cho tôi một cái nhìn vô hồn từ bộ mặt quá gầy của mình.
- Đôi khi tôi tin. - Anh ta trả lời.
Vợ anh ta chồm ra ngoài cửa sổ nhà bếp như một kĩ sư trong toa xe hỏa và
gọi:
- Các con! Bánh xong rồi! - Cô ta quay lại tôi. - Ông muốn ăn bánh yến
mạch nhân nho khô không, ông Edgecombe?
- Tôi chắc là ngon, thưa bà, nhưng lần này xin bà miễn cho.
- Được rồi. - Cô ta nói, và rút đầu trở vào trong.
- Ông đã thấy những vết sẹo trên người gã? - Hammersmith bất ngờ hỏi.
Anh ta vẫn quan sát bọn nhóc, chúng không rời bỏ được những thú vui của
chiếc đu - thậm chí không vì những cái bánh yến mạch nhân nho khô.
- Vâng. - Nhưng tôi ngạc nhiên vì anh ta đã thấy.
Anh ta nhận ra phản ứng của tôi và cười. “Chiến thắng to lớn của luật sư
biện hộ là xin cho Coffey được cởi áo và cho hội thẩm xem những vết sẹo
đó. Công tố viên George Peterson phản đối kịch liệt nhưng chánh án cho
phép. Lão George lẽ ra có thể tiết kiệm hơi sức - hội thẩm quanh những
vùng đó không chấp nhận cái lí luận tâm lí rác rưởi về chuyện những kẻ bị
bạc đãi không thể tự giúp mình như thế nào. Họ tin rằng con người có thể tự
giúp mình. Đấy là một quan điểm tôi rất đồng cảm... nhưng những vết sẹo
đó quả là khá ghê rợn, cũng vậy thôi. Có để ý điều gì về chúng không,
Edgecombe?
Tôi đã nhìn thấy gã trần truồng trong nhà tắm và tôi có để ý, đúng rồi, tôi
biết anh ta đang nói về điều gì.
- Tất cả đều vỡ nát. Gần như mắt cáo.