điện, đền đài, vườn tược còn cao hơn và đẹp hơn những gì để lại cho
những tộc người dã man.
Với khí hậu ôn hòa và đất đai màu mỡ, nghề trồng lúa nước và
bông vải cùng nghề nuôi tằm lấy lụa đã phát triển mạnh mẽ; kỹ
thuật dệt và kỹ thuật kim hoàn mở rộng trong dân chúng. Giao
thương cũng phát đạt không kém. Khi đã giàu có, các thương nhân
ngày càng có tầm ảnh hưởng rộng, mặc cho họ xuất thân từ tầng
lớp thấp nhất của xã hội.
Giới thượng lưu không thích thay đổi. Cuộc sống của họ bình ổn.
Họ để cho hoàng đế và chính quyền địa phương toan tính việc
quân. Cầm kỳ thi họa và các suy tư triết lý mới là thú tiêu khiển của
họ. Vào mùa xuân, họ đi du ngoạn bên bờ hồ, ngắm lũ cò trắng sải
cánh trong sương mờ; mùa hè, họ chơi nhị cầm và tiêu sáo dưới ánh
trăng; mùa thu, các cuộc tranh tài thi ca diễn ra trong chén tạc chén
thù cùng thịt cá tươi ngon; mùa đông, những khúc hát dịu ngọt của
phương Nam làm những thế hệ trẻ chẳng còn muốn quay về
Trung Nguyên, nơi mùa đông khắc nghiệt trong bão tuyết mịt mù.
Bà Mẹ Trẻ chưa ăn uống gì từ đêm qua, nhưng nàng chẳng thiết
tha. Tay nàng tìm kiếm trong chiếc xe rồi lôi ra một chiếc túi da
cừu có mùi tởm lợm khiến nàng buồn nôn. Nàng phải ăn để có sức
sinh nở. Nàng phải cố cử động cái miệng rét cóng và nuốt ực một
ngụm nước chua lòm. Nàng cầm lấy một nắm cơm đã lạnh khô và
mở banh cổ họng để nuốt vào từng hạt. Nàng thèm chút trà thơm vị
mận xanh mà nàng uống hồi mùa hè nào đó trong một chiếc tách
mã não trắng. Nàng còn nhớ tất cả các bộ tách trà được dùng theo
từng mùa: trà hạt sen, trà cẩm tú cầu, trà bột vừng, trà mộc qua, trà
hoa đào. Nàng tiếc đã không thể nào giữ lại trên đầu lưỡi chút
hương vị ngày xưa. Làm sao nàng còn có thể nuôi dưỡng cái vẻ huy
hoàng phù phiếm đó chứ?