- Sư phụ thậm chí không phải cha con, nhưng sư phụ đã cứu mạng
con và nuôi con lớn lên như con đẻ. Với người Hoa Hạ, một người cha
không thể bỏ rơi con mình, một đứa con phải nuôi cha mẹ đến khi
cha mẹ chết. Nó phải chôn cha nó đàng hoàng và chăm lo phần mộ
cho đến khi tới lượt mình phải chết. Sư phụ đã sống giữa những
người Hoa Hạ, sư phụ không còn là người Tiên Ti nữa!
Thẩm Phong cố kìm nước mắt.
- Khi con còn nhỏ, sư phụ dẫn con theo bất cứ nơi nào sư phụ
đến. Chúng ta đã làm việc trong xưởng, đã ở trong thành và sống
trong rừng. Chúng ta đã cùng chọn ngôi làng này. Sư phụ đã dạy con
làm đàn cổ cầm, dạy con dựng nhà. Giờ sư phụ đi đâu? Con đi với sư
phụ!
Người thợ đàn già nhìn chằm chằm xuống đất, lắc đầu, hạ
vai xuống thoát khỏi tay Thẩm Phong rồi đi ra phía cổng. Thẩm
Phong lao theo để cản ngăn, nhưng người thợ đàn già đẩy chàng lại.
- Sư phụ! Hãy nhìn ngôi nhà xem. Chân nhà, chái nhà, mỗi lớp
đất nện trên tường đều đẫm mồ hôi của cả hai! Hãy nhìn khoảnh
vườn! Chúng ta đã khai khẩn cùng nhau!
Nước mắt làm mắt Thẩm Phong mờ đi rồi chàng giơ tay áo
chùi mắt. Không thèm nhìn chàng, không thèm ngoảnh đầu lại,
người thợ đàn già mở cửa rồi đi theo con đường mòn có hoa mùa
xuân nở đầy hai bên. Nỗi buồn trùm kín Thẩm Phong làm chàng
như hóa đá. Sư phụ chàng không phải người Hán. Trong người ông
chảy dòng máu của tộc người Tiên Ti, một bộ lạc du mục ở phương
Bắc. Những người Tiên Ti không có khái niệm gia đình. Các bà mẹ
nuôi lớn tất cả những đứa con trong tộc và lũ con gọi tất cả những
người đàn ông là “cha”. Không giống như người Hán vốn sống
tình cảm, một người Tiên Ti không gắn bó với bất cứ thứ gì. Cách