bức tranh, rồi Đỗ Phụng nhận ra trong đó từng đám mây, bóng trăng
treo sau đỉnh núi, một mặt hồ có rừng cây bao quanh, một cánh
đồng hoa và nhiều thứ khác. Những con số hòa lẫn với nhau ở đó,
tạo thành phách điệu. Sự ồn ào của đời nhà binh lúc đó bỗng tắt để
một thứ âm nhạc chầm chậm được cất lên, cho ông cảm xúc hòa
trộn giữa hào sảng và sầu bi.
Ông bí mật dò hỏi những kẻ tù nhân. Những trận chiến không
dứt đã cho ông gặp những tù binh có nguồn gốc khác nhau. Nhưng
ông phải tốn rất nhiều thời gian trước khi tìm được một sĩ phu
người Hán. Chỉ thoáng nhìn ông ta đã nói ngay đó là một khúc nhạc
cho đàn cổ cầm, các nốt là các con số và ký tự Hán ngữ.
Đỗ Phụng đã hy vọng đó là một chữ viết kỳ bí chỉ dẫn đến một
kho báu của một hoàng tử mất ngôi và mất đầu được giấu kín.
Đàn cổ cầm là nhạc cụ mà ông chẳng biết thanh âm hay hình dáng
thế nào. Bực tức, ông đã muốn vứt cuộn giấy da vào lửa nhưng
cuối cùng giữ lại vì nghĩ rằng nếu người lính đã tin cẩn giao nó lại
cho ông, hẳn nó có giá trị.
Các mùa lần lượt trôi qua và Đỗ Phụng được thăng tiến dần.
Khi ông có quyền ra lệnh, ông đã ra lệnh cho lính tráng tìm một cây
đàn cổ cầm và dẫn một tên tù binh biết chơi đàn đến gặp mình.
Binh lính mang đến tất cả các loại nhạc cụ Trung Hoa có hình ống,
hình tù và, hình chảo, hình tháp chùa. Các nhạc cụ bằng gỗ, bằng
da, bằng sậy, bằng kim khí. Thấy hình dáng và âm thanh của
chúng thú vị, bất cứ khi nào được nghỉ ngơi, Đỗ Phụng đều tháo
chúng ra để tìm hiểu phương thức chúng tạo ra các loại âm thanh. Các
chốt, cầu, dây đàn, khung âm, hộp cộng hưởng, bàn phím, ông học
thuộc cấu trúc của chúng mà không biết chúng tên là gì.
Giữa hai trận chiến, ông lại được nhấm nháp những khoảnh
khắc yên bình như nhấm nháp một chén sữa cừu. Nếu như một