- Con tên là Thẩm Phong, có nghĩa là “gió”, phát âm với giọng
bềnh bồng.
Cõng chàng trên lưng, sư phụ dẫn chàng tới kinh đô Kiến Khang.
Cảnh huyên náo trong thành làm một đứa trẻ hoang dại sợ hãi, khóc
nức nở. Trong chỗ trọ, dù cho đứa trẻ la hét và khóc lóc, sư phụ vẫn
buộc nó vào một cây cột rồi đi tìm việc. Tiếng chuông leng keng và
tiếng xì xầm cười nói lúc nào cũng làm nó giật mình, Thẩm Phong
nức nở, cắn dây thừng để bỏ trốn, la lên rằng mình muốn về lại
miền núi và chơi với khỉ. Chàng không hiểu tại sao con người lại
sống giữa bốn bức tường, tại sao kinh thành chỉ là những vách cao,
nơi người ta đào vài cái lỗ để đi vào đi ra. Con người lúc nào cũng vội
vã và làm cho chàng sợ. Nhất là những tên lính có đầu gắn lông
chim và cơ thể bọc những mảnh đồng và da. Chúng đi ngựa, lật úp
các hàng quán và dùng vũ khí đánh đập bất cứ ai trên đường vó ngựa
chúng đi qua.
Khi Thẩm Phong quen với tiếng ồn ào của đô thành, sư phụ
chàng lại dẫn chàng đi với ông. Chàng được đem tới chỗ một công
xưởng thật lớn, nơi chàng đục đẽo các trụ cột, lan can và những cánh
cửa cho cung điện của Hoàng đế Tiêu Diễn. Khi những thân gỗ nghìn
năm khổng lồ được đưa vào, sư phụ chàng cảm thấy rất khó chịu.
Chẻ cành, mài vỏ để biến chúng thành cột và xà, điều đó làm ông
xót xa. Thẩm Phong nhớ rằng khi đêm xuống, lính gác được hứa
cho một phần bạc kiếm được để tiếp tay cho những người thợ cướp
những mẩu gỗ quý. Trong khi những người khác biến chúng thành
đồ đạc để bán ngoài chợ thì sư phụ chàng bắt đầu đục đẽo thành
nhạc cụ.
Hai năm sau, cậu bé Thẩm Phong đã quen mặc áo vải mềm chạy
lon ton theo sư phụ đi bán đàn cho những vị khách giàu sang. Họ
không còn ở trong phòng trọ nữa mà có một ngôi nhà với một mảnh
vườn. Thẩm Phong, đứa học việc, giờ đã biết bào gỗ, chạy dây lụa và