Bà Mẹ Trẻ khẽ gật đầu đồng ý. Nàng rất hài lòng. Huệ Viên là
một đứa trẻ thiên bẩm, có thể đọc thuộc lòng Kinh thư của Khổng Tử
từ lúc còn nhỏ. Đã nhiều lần chồng nàng thầm tiếc tại sao con
bé không phải là nam nhi để thừa hưởng chức tước của mình. Bên
cạnh chị mình, Nghĩa Phù há miệng cười sảng khoái. Nó ngưỡng mộ
chị nhưng cũng sợ chị. Huệ Viên vừa chăm sóc em vừa chọc ghẹo tính
ẻ
o lả của nó. Con bé luôn tìm cách nổi bật hơn khi chúng cùng ở bên
mẹ.
Huệ Viên và Nghĩa Phù là hai ngọn cây nở hoa mỗi ngày. Huệ Viên
cao lớn và mạnh dạn như một cây rừng nhỏ trong khi Nghĩa Phù
mảnh dẻ và nhạy cảm như một bông mẫu đơn. Bà Mẹ Trẻ sợ chúng bị
một trận gió lốc nào đó đánh gục! Nàng canh chừng từng bữa ăn,
giấc ngủ. Nàng luôn lo chúng có bị lạnh, bị sốt, bị say nắng, dầm
mưa hay không. Nàng biết một ngày nào đó Huệ Viên sẽ kết hôn và
rời xa nàng đi về nhà chồng, rồi Nghĩa Phù sẽ phải theo cha trên
những cuộc chiến tàn khốc. Những giờ bình an được học đàn này có
lẽ là những khoảnh khắc hạnh phúc cuối cùng mà nàng có với con
mình. Chúng sẽ sớm trưởng thành, sẽ rời xa nàng, nàng không còn
gặp lại chúng nữa.
Bà Mẹ Trẻ quay mặt đi, âm thầm chùi nước mắt. Rồi nàng
tiếp tục lời dạy:
- Hôm nay ta sẽ dạy các con bản Hoa lan trong thung lũng, một
khúc nhạc do Đức Khổng Tử soạn. Ngày xưa, khi bị đuổi khỏi quê
hương, Đức Khổng Tử lang thang từ vùng đất này đến vùng đất
khác cùng những đồ đệ đi tìm một đức vua anh minh biết nghe
theo lời dạy của mình. Không có ai quan tâm tới những gì ông nói.
Một ngày nọ, khi đi ngang thung lũng, ông phát hiện ra một loài hoa
lan nở giữa bụi rậm. Ông dừng lại, chơi một khúc cổ cầm trước hoa.
Các con nói xem, tại sao ông lại soạn khúc nhạc này?