kinh thành chen lấn nhau dưới những bến thuyền để xem từng
đoàn thuyền chất đầy của hồi môn đi ngang qua. Trong tiếng
nhạc lễ hội, những chiếc đĩa bạc, lọ ngọc thạch, san hô hình cây cối
lũ lượt nối đuôi nhau, dẫn theo đủ thứ đồ đạc bằng gỗ quý khảm
xà cừ và cẩm thạch. Khi những cuộn lụa đào ở cuối hàng đi ngang
qua, lũ trẻ reo hò ríu rít, đàn ông nhíu mày và bứt râu, đàn bà ghen tỵ
trong im lặng.
Lụa, cái thứ nguyên liệu vuốt ve dịu dàng này lại mang trong
mình sức mạnh của ngọn lửa và cái tinh khiết của cánh rừng tre,
chính là thứ đồ xa xỉ của giới quý tộc. Một sắc lệnh triều đình đã
cấm dân chúng mặc lụa và những ai dám vi phạm luật này sẽ bị xử
tử. Ngay cả những người lái buôn giàu có nhất cũng chỉ có thể trưng
bày lụa trong cửa hiệu của họ như một tác phẩm nghệ thuật mà thôi.
Lúc còn bé, nàng thích lụa như điên. Nàng nhảy giậm lên nó, nàng
ôm nó, quấn quanh cơ thể mỗi khi người thợ dệt của ông nội kính
cẩn đem đến những tấm lụa mới dệt xong. Nàng nắm lấy đầu
mút của cuộn vải và giật mạnh. Những làn sóng đủ màu sắc trải ra.
Lụa, tùy theo xưởng dệt ra nó, mà mang những cái tên ngọt ngào khác
nhau. Nàng biết rất nhiều tên và đọc chúng như một bài thơ dài:
“Tuyết muộn hoa lê”, “Giấc mơ cầu hoa trà”, “Bóng liễu”, “Mây
lang thang mùa hạ”, “Khúc hát chim vàng anh trong sương mù xanh”,
“Trăng lên”, “Ao sen”, “Mùi hương sau cơn mưa thu”, “Thác hoa cúc
dại”, “Hoa lan lười nhác”…
Ông nội, người cho nàng tất cả những gì nàng muốn, nói rằng
phụ nữ thượng lưu đặc biệt hơn cả loại lụa mịn nhất.
Ông nội sinh ra trên đường lưu vong nên thích những thứ kỳ thú.
Ngoài khả năng thi họa, ông còn là một tay đàn tỳ bà bốn dây siêu
hạng. Ông chán ở quê và lên kinh thành của những hội hè miên man.
Một chiếc thuyền phủ trướng thêu là ngôi nhà thứ ba của ông. Ông