kéo dài vinh quang của người. Nhưng số phận buộc ta phải nhận sự
khốn khổ và không thể dạy dỗ con trai mình. Suốt tang lễ kéo dài,
nỗi buồn bao trùm thế gian, chỉ có con trai người cười vui và đưa ra
nhiều lời xấc xược. Nghĩa Phù lệnh cho nhiều nhạc công, những ca
sĩ bị hoạn và những vũ công kỳ tài đến điện, quên cả việc quốc gia
đại sự. Thay vì kiêng kỵ, Nghĩa Phù còn bày nhiều đồ ăn gấp đôi
và ưa thích con hầu hơn là tỳ thiếp. Thay vì tránh xa dòng máu
không trong sạch của phụ nữ thì lại vui chơi đóng vai bà đỡ đẻ… Sự tra
tấn trở thành trò chơi ưa thích của Nghĩa Phù. Nghĩa Phù chính tay
đánh đập những người vô tội để làm trò cười cho đám đàn bà. Cung
điện mùa đông và mùa hạ được xây lên đã làm kiệt quệ ngân khố
hoàng triều, nông dân phải bỏ cả đất đai, nô bộc chết vì phải gánh
vác quá nhiều công việc nặng nề. Tiếng khóc của các tỳ thiếp đã
làm các thần linh nổi giận… Cùng với y, hoàng tộc đã phải chịu
nhiều nỗi ô nhục. Làm sao còn có thể theo đuổi nghiệp lớn của người
hôn phu quá cố của ta chinh phạt mười nghìn kinh thành phương
Bắc? Hôm nay, ta quyết định phế truất y và đưa người em út của
y lên ngai vàng…”
Bực mình với sự chậm rãi của nàng, những kẻ âm mưu đã vào
phòng chờ đợi, gươm lăm lăm trên gối. Bà Mẹ Trẻ ngước mắt nhìn
hết thảy đám người. Trong vườn, những con chim ríu rít và cây cối
đã trổ màu xanh. Lại một mùa xuân nữa! Ánh mắt nàng trở lại nhìn
những kẻ mưu phản và quét qua khuôn mặt chúng. Chúng lộ rõ vẻ
mệt nhọc, mặt cúi gằm. Trong số chúng, ai là kẻ tham vọng nhất?
Ai sẽ đánh bại tất cả những kẻ khác để trở thành bá chủ thiên hạ?
Tất cả đều không quan trọng với Bà Mẹ Trẻ.
Chọn gì đây? Cứu con trai bằng cách làm nó mất danh dự? Hay
giữ danh dự cho con trai bằng cách để nó chết? Nếu nàng không
chấp thuận cái sắc lệnh bôi nhọ tên của Nghĩa Phù vĩnh viễn về
sau, những kẻ mưu phản sẽ giết nàng cũng như con nàng, và đó sẽ là