- Đủ rồi, Thẩm Phong! Nếu cậu muốn tắm thì ra hồ. Giả như
năm nay đại hạn thì mình phải tiết kiệm nước đó!
Chàng nghiến răng thả gầu nước rơi tòm xuống giếng rồi
theo bà hàng xóm về nhà.
- Cầm lấy cái bánh, ăn đi khi còn nóng, - bà nói với chàng. - Còn
cái bánh này đem cho sư phụ nhé!
Cơ thể chàng lại hoạt bát nhờ hai cái bánh, Thẩm Phong cầm lấy
cái rìu đến trước tấm gỗ. Chàng giạng chân, hóp bụng, lắc lắc
hông, hít thở thật sâu rồi nhấc tay lên.
Chàng chưa bao giờ bị xây xẩm vì những nhát rìu. Cái rìu lao
xuống, không run rẩy. Khúc gỗ rung lên nhưng không bật nảy. Lưỡi
rìu gãy gọn và sắc ngọt cắm vào ba phần tư tấm gỗ.
Lúc nhỏ, Thẩm Phong chẻ củi mỗi ngày mà không biết người thợ
đàn già đang rèn luyện chàng. Sau đó, sư phụ mới nói cho chàng
biết:
“Sức mạnh của người làm đàn không phải là sự hung tàn của
chiến binh. Người làm đàn phải cầm chặt công cụ của mình như
một chiến binh không bao giờ buông gươm giữa trận chiến. Nhưng
một chiến binh chặt đứt, đâm vào và lấy đi sự sống, còn người làm
đàn cắt, giũa và đem lại sự sống. Sức mạnh của chiến binh là lòng
gan dạ, ông ta làm quân địch hoảng sợ trước khi giết chóc. Còn sức
mạnh của người làm đàn là sự chính xác, người làm đàn phải làm chủ
hoàn toàn đường đi của lưỡi rìu.”
Thẩm Phong nhẹ nhàng rút lưỡi rìu ra - sư phụ đã dạy chàng nhát
chém hơi nghiêng, một động tác khó thực hiện. Chàng lại nhấc tay
lên. Lưỡi rìu lấp lánh trong không khí rồi lại lao xuống. Một phoi
xoắn chạy dọc theo tấm gỗ.