đầy vàng và ngọc trắng đến bộ tộc dã man để chuộc nàng về. Sái
Văn Cơ phải xa con và trở về giữa những người Hoa Hạ. Nàng viết
mười tám điệu phách cho đàn theo thanh âm của tộc người man và để
lại một tập thơ viết về nỗi buồn đau của mình.
Cô gái trẻ khóc vì hạnh phúc và buồn tủi. Những giấc mơ và nỗi
nhớ của nàng thổi mạnh trong lòng nàng từng cơn nóng lạnh. Nàng
không còn biết cuộc đời nữa và trên hết là dửng dưng với những
đám mây đang đổ dồn về phía chân trời và với cuộc chiến sắp nổ
ra.
Nàng không biết rằng một đạo sĩ tên Tôn Ân đã tuyên bố mình
được phó thác cho một sứ mệnh thiêng liêng rồi dấy quân chống
hoàng đế nhà Đông Tấn. Lời hiệu triệu của ông ta đến tất cả
những người theo Đạo giáo đã làm tám tỉnh cùng nổi dậy. Người ta
ném những dãy hàng rào ra đường; những dòng sông đầy thuyền
chiến; các toán kỵ binh mang đầy vũ khí ngang dọc những cánh
đồng để gia nhập với quân nổi loạn. Triều đình vội họp quần
thần, bắt tội phạm đi lính và kêu gọi các băng đảng để tiêu diệt
những kẻ nổi dậy. Hai đạo quân đối đầu nhau dọc bờ Nam sông
Dương Tử.
Một đêm nọ, cô gái trẻ bị mẹ đánh thức. Quân đội triều đình đã
đến vùng đất của họ. Quân đội tàn sát, cướp phá và đốt tất cả
những gì chúng đi ngang qua. Gia đình phải đi lánh nạn ngay lập tức
sau những tường thành cao của kinh thành được lính ly khai bảo vệ.
Vào lúc bình minh, cô gái trẻ xuống thuyền. Siết chặt trong tay
một chiếc rương nhỏ đựng cây đàn của Sái Văn Cơ, nàng để lại sau
lưng mình toàn bộ vải vóc, lụa là của đêm tân hôn. Con thuyền nhổ
neo và chìm vào làn sương mờ buổi sớm tinh mơ. Bất chợt nàng nghĩ
đến cây đàn có thể mang cho nàng số phận bất hạnh của người chủ
cũ.