Thẩm Phong dò độ cứng của mặt đất bằng cuốc trước khi đặt
chân tới đó rồi đi quanh hầm. Trái ngược với các ngôi mộ của nhà
giàu thường có cả một cung điện thực thụ ở dưới đất phân thành vô
số phòng nhỏ giống như vẻ tráng lệ khi người chết còn sống, ngôi
mộ này lại chỉ có một phòng tang lễ hình tròn và Thẩm Phong không
hề thấy bia khắc tên, quê quán cùng cuộc đời người chết. Ở
Trung Hoa, bờ Bắc cũng như bờ Nam, những người sống lập bia mộ
cho người chết. Đối với một số người, đó là sự tưởng nhớ về một
cuộc đời vất vả, đối với những người khác, đó là sự vinh danh một
cuộc đời sáng chói. Từ người cùng cực tới một ông vua, tất cả đều có
quyền được có một bia gỗ hay đá cẩm thạch ghi lại cuộc đời họ bằng
mực đen đơn giản hoặc khắc bằng vàng.
Không có bia mộ không có nghĩa là ngôi mộ không quan trọng,
chàng thợ đàn trẻ tuổi nghĩ. Đó là một người mà người ta muốn
giấu đi thân thế có thể vì bà đã bị trục xuất khỏi triều đình, hoặc
cũng có thể vì người ta muốn bà tránh khỏi bị ô nhục vì mộ phần bị
đào bới. Trong cả hai trường hợp, đó chỉ có thể là một người có vị trí
quan trọng.
Khi Thẩm Phong soi nến lại gần, những bức vách bắt đầu
sáng lên, để lộ những lớp sơn tỉ mỉ có viền vàng. Sự có mặt của hai
con linh thú là thanh long và bạch hổ, những quân bảo vệ hoàng đế
và hoàng hậu, cho thấy những gì Chu Bảo nói với chàng là đúng.
Được vẽ trên tường Đông và tường Tây, chúng dẫn theo hai đoàn kỵ
binh và bộ binh, những quan lại đội mũ áo quan văn, những kẻ hầu
trai và gái mang chum nước, chổi, quạt, chén, đĩa, thảo mộc, tất cả
các vật dụng hằng ngày của một cuộc đời sang trọng mà Thẩm Phong
chưa từng biết tới, rồi đến một bầy chim, mèo, khỉ, chó và báo
được thuần hóa. Những xe đầy lính cầm lao và cung tên bao
quanh hai chiếc xe vẽ rồng, kỳ lân và phượng hoàng, có rèm thêu
chỉ vàng đóng kín. Vẻ đẹp của những quan lại mặc gấm vóc đủ cho