không phải như thế mà phải như thế này!”, nhưng Sơn vẫn không
nhận biết được điểm sai đó.
“Hãy xem cách cảm nhận tiết tấu bằng cơ thể. Xem cách
chuyển động của cơ thể nhịp nhàng với tiết tấu. Xem này, tiết tấu
này và tiết tấu này có sự khác nhau đúng không? Em có hiểu điểm
khác nhau đó không?”
Natanson đã rất nhẫn nại, nhưng cũng phải mất khá lâu để Sơn
có thể cảm nhận được sự khác nhau. Nguyên nhân của việc không gõ
bằng đầu ngón tay một cách mạnh mẽ dứt khoát là do thói quen
luyện tập piano lúc còn ở Việt Nam. Tuy nhiên cũng do cây đàn piano
lúc đó đang trong tình trạng chỉnh âm không tốt, phím rời rạc, cho
nên để đánh được nốt nhạc mạnh mẽ bằng đầu ngón tay là không
thể.
Natanson rất thích opera; vợ ông là ca sĩ hát opera. Ông đã dạy
cho Sơn phương pháp đánh đàn piano sử dụng nhiều thủ thuật đa
dạng, mà lại nhịp nhàng với giai điệu của bài hát. Ông còn nhẫn nại
dạy cho Sơn các phương pháp biểu diễn như ngâm thơ, phương pháp
nghĩ giai điệu như bài thơ hát lên. Trẻ em Nga ngay từ nhỏ đã được
dạy âm nhạc và học cách đánh đàn piano chuẩn xác; được học cả về
dáng vẻ khi sử dụng nhạc cụ, cách thể hiện lực của cánh tay, nơi đặt
của ngón tay và bàn tay.
Vì Sơn không được học bài bản như thế nên thường đánh đàn
piano theo phương pháp và dáng vẻ tự do của mình.
Khi thi vào Nhạc viện Matxcơva, các bạn học đã nhận xét về lối
chơi đàn của Sơn: “Theo tính cách âm nhạc thì đây là cách đánh rất
ấn tượng nhưng có chút gì đó không đúng. Tôi cảm nhận được niềm