khói súng, bác nhớ lại hôm kỷ niệm ngày cưới của hai bác vài năm về
trước, và bác bắt đầu hát “Vì tôi và cô gái của tôi”, y như Clara và bác đã
làm khi lái xe từ Raleigh về nhà. Cứ vận hết hơi mà gào, như thể bác chẳng
quan tâm đến bất cứ chuyện gì trên đời, bởi vì bác biết rằng, bằng cách
nào đó, Clara có thể nghe được tiếng bác, và bà ấy sẽ hiểu rằng không cần
gì phải lo lắng hết. Bác đã hứa với bà ấy mà, các cháu biết đấy. Và không
gì, thậm chí cả việc chìm xuống đáy Thái Bình Dương, đủ sức ngăn bác giữ
lời hứa đó.
Thật điên rồ, bác biết vậy. Nhưng như bác nói đấy, bác đã được cứu.
Mùa xuân năm sau, bác được phân vào phục vụ trên các tàu vận tải tới Iwo
Jima. Rồi chớp mắt một cái, chiến tranh đã kết thúc, bác được về nhà, khi
trở về, bác không kể gì về chiến tranh. Bác không thể. Không một lời nào.
Ký ức đó đau đớn và Clara hiểu điều đó, vậy nên dần dần, hai bác ổn định
lại cuộc sống. Năm 1955, hai bác bắt đầu xây dựng ngôi nhà nhỏ này. Bác
tự làm hầu hết mọi việc. Một buổi chiều, vừa xong công việc trong ngày,
bác đi về phía bác Clara, lúc này đang ngồi đan trong bóng râm. Và bác
nghe thấy bà ấy hát “Vì tôi và cô gái của tôi”.
Bác đứng sững lại, và ký ức về trận chiến ùn ùn quay trở lại, bác không
nhớ tới bài hát đó suốt nhiều năm rồi, và bác chưa bao giờ kể cho bà ấy
nghe chuyện đã xảy ra trên trên bè ngày hôm đó. Nhưng ắt hẳn bà ấy đã
nhận ra điều gì đó từ vẻ mặt của bác, vì bà ấy ngước lên nhìn bác.
“Từ dịp kỷ niệm ngày cưới của chúng ta,” bà ấy nói rồi tiếp tục trở lại
với việc đan lát. “Em chưa bao giờ kể cho anh nghe điều này, nhưng hồi
anh ở Hải quân, có một đêm em đã mơ một giấc mơ,” bà ấy tiếp lời. “Em
đang ở giữa cánh đồng cánh đồng hoa dại này, và mặc dù không nhìn thấy
anh, em vẫn có thể nghe thấy tiếng anh đang hát bài này cho em nghe, và
khi tỉnh dậy, em không còn sợ nữa. Bởi vì cho tới tận lúc đó, em vẫn luôn
sợ rằng anh sẽ không quay trở lại.”
Bác đứng chết trân ở đó. “Đó không phải giấc mơ đâu, cuối cùng bác
nói.