thức ăn trở nên nổi bật hơn và là một dấu hiệu cho bọn trẻ thấy chúng
tôi sẽ có một bữa ăn dành cho những người trưởng thành.
Tôi cố gắng để chúng tự mình làm nhiều việc hết sức có thể. Bắt đầu
từ khi hai đứa còn khá nhỏ, tôi đã đưa cho chúng một bát pho mát
Parmesan được nghiền sẵn và để chúng tự rắc pho mát lên đĩa mỳ ống
của mình. Ngoài ra, chúng còn tự bỏ đường vào cốc sô cô la nóng và đôi
khi là vào cốc sữa chua của mình. Bean thường xuyên đòi ăn một miếng
phô mai Camembert hoặc bất cứ loại pho mát nào mà chúng tôi có, vào
cuối mỗi bữa ăn. Ngoại trừ những dịp đặc biệt, chúng tôi không ăn bánh
hoặc kem vào buổi tối. Tôi vẫn không sẵn sàng cho chúng ăn bánh
sandwich sô cô la.
Phải mất một thời gian để biến tất cả những điều này thành một thói
quen. May mắn là hai thằng bé rất thích ăn. Một trong số những giáo
viên ở nhà trẻ đã gọi chúng là người sành ăn, một cách lịch sự để nói
rằng chúng ăn rất nhiều. Cô ấy nói rằng từ mà chúng thích nói nhất là
encore (thêm nữa). Chúng đang được phát triển một thói quen rất khó
chịu, có thể đã học được ở nhà trẻ, đó là giơ cái đĩa của mình lên vào
cuối bữa ăn để chứng minh là mình đã ăn hết. Và thế là súp hay một cái
gì đó còn sót lại trên đĩa sẽ rơi xuống bàn. (Tôi đoán là ở nhà trẻ chúng
đã lau sạch những chất lỏng còn lại trên đĩa bằng một mẩu bánh mì.)
Đường không còn là thứ bị hạn chế tối đa trong nhà chúng tôi nữa.
Giờ đây, khi chúng tôi sử dụng chúng một cách điều độ, Bean đã không
còn cư xử với mỗi cái kẹo như thể đó là lần cuối con bé được ăn nữa. Khi
thời tiết thật sự lạnh, tôi cho bọn trẻ uống sô cô la nóng vào buổi sáng.
Tôi cho chúng ăn kèm với món bánh mì que của ngày hôm qua, được
hâm nóng và làm cho mềm hơn một chút trong lò vi sóng, và bọn trẻ có
thể nhúng vào cốc sô cô la của mình trước khi ăn. Nó có vẻ rất giống
một bữa sáng kiểu Pháp.