giới hạn nào cả,” Marcelli bảo với tôi.). Các bậc cha mẹ Pháp chú trọng
khuôn khổ bởi họ biết rằng không có ranh giới, trẻ sẽ bị chế ngự bởi
những cơn bốc đồng của chính mình. Khuôn khổ giúp kiềm chế mọi sự
hỗn loạn nội tâm và giúp trẻ bình tĩnh trở lại.
Điều này có thể giải thích lý do tại sao mấy đứa trẻ nhà tôi lại là
những đứa duy nhất luôn cáu kỉnh trong công viên ở Paris. Cơn giận xảy
ra khi một đứa trẻ bị lấn át bởi những mong muốn của chính nó và
không biết làm sao để dừng lại. Những đứa trẻ khác thường xuyên được
nghe từ không, và phải chấp nhận nó. Mấy đứa con tôi thì không như
thế. Từ “không” của tôi có vẻ không chắc chắn và khá yếu ớt đối với
chúng. Nó không giúp trẻ dừng một loạt những mong muốn lại.
Marcelli nói rằng trẻ sống có khuôn khổ hoàn toàn có thể sáng tạo
và được “đánh thức” – một tình trạng mà các bậc cha mẹ Pháp cũng sử
dụng để mô tả như “nở hoa”. Lý tưởng của người Pháp là nhằm khuyến
khích trẻ “trổ hoa” trong khuôn khổ. Ông nói rằng chỉ có một bộ phận
nhỏ các bậc cha mẹ Pháp nghĩ rằng “nở hoa” là việc duy nhất quan
trọng và không xây dựng bất cứ một khuôn khổ nào cho trẻ. Có thể thấy
rất rõ Marcelli cảm thấy như thế nào về những ông bố bà mẹ này. Con
cái họ, ông nói, “không làm tốt một cái gì cả và tuyệt vọng trong mọi
khía cạnh của đời sống.”
Tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm mới này. Từ giờ trở đi tôi sẽ cân nhắc
để mình có quyền lực nhưng không phải là một kẻ độc tài. Khi cho Bean
đi ngủ vào buổi tối, tôi thực sự đã nói với nó rằng tôi biết đôi lúc nó
cũng cần có những trò nghịch ngợm nho nhỏ. Trông con bé có vẻ bớt
căng thẳng hơn. Đó là giây phút hai mẹ con là những “kẻ đồng mưu”.
“Mẹ sẽ nói điều này với bố chứ?” con bé hỏi.
Bean, nhờ được chăm sóc và dạy dỗ ở trường học của Pháp, hiểu
được về tính kỷ luật nhanh hơn tôi. Một buổi sáng, tôi đang ở hành lang
của tòa nhà. Simon đang đi công tác. Tôi phải một mình lo cho bọn trẻ,
và chúng tôi sắp bị muộn đến nơi rồi. Tôi muốn đặt hai thằng bé vào xe
đẩy để có thể đưa Bean đến trường, sau đó đưa chúng đến nhà trẻ.
Nhưng chúng phản đối, nhất định không chịu ngồi vào chiếc xe đẩy
dành cho trẻ sinh đôi này. Chúng muốn đi bộ, và tất nhiên nếu làm thế
chúng tôi sẽ mất nhiều thời gian hơn. Hơn thế nữa, chúng tôi lại đang ở
trong sân trong của tòa nhà do vậy hàng xóm có thể nghe, thậm chí
chứng kiến toàn bộ cuộc tranh cãi này. Tôi vận dụng bất cứ thứ quyền
lực nào có thể, và khăng khăng rằng chúng phải ngồi vào xe đẩy nhưng
tất cả những điều này chẳng có tí tác dụng nào cả.
Bean cũng đang quan sát tôi. Và con bé tỏ ra tin rằng tôi có đủ khả