Khi tôi giải thích xong cách thức cho ăn của chúng tôi với nhân viên
ở
đó, cô nhìn tôi như thể tôi vừa nói rằng chúng tôi để cho con mình lái
ô tô. Chúng tôi không biết khi nào con ăn? Đây là một vấn đề mà chúng
tôi cần giải quyết. Ánh mắt của cô nói rằng trong khi sống ở Paris,
chúng tôi đang nuôi một em bé chỉ biết ăn và ngủ - phải, có lẽ là cả ị nữa
– như một em bé Mỹ.
Ở
Pháp, vấn đề lịch trình ăn uống của trẻ không có nhiều trường
phái. Cha mẹ Pháp không hề mơ hồ về tần suất ăn nên có của con mình.
Từ khoảng bốn tháng tuổi, phần lớn trẻ em Pháp đã ăn vào những thời
điểm nhất định. Cũng giống như việc ngủ, cha mẹ Pháp thấy điều này là
chuyện ai cũng biết, không cần phải có kỹ thuật gì ở đây cả.
Ở
Pháp, thậm chí còn không có cả khái niệm “cho ăn”, từ này dù sao
nghe cũng giống như là bạn đang ném cỏ khô cho bò vậy. Họ gọi là “bữa
ăn”. Và thứ tự của các bữa ăn này cũng tương tự với một lịch trình mà
tôi khá quen thuộc: bữa sáng, bữa trưa và bữa tối, cộng với một bữa ăn
nhẹ buổi chiều. Nói cách khác, ở khoảng bốn tháng tuổi, trẻ em Pháp đã
tuân theo lịch trình ăn mà các bé sẽ tuân theo suốt phần đời còn lại
(người lớn thường bỏ bữa ăn nhẹ).
Tôi rất thắc mắc, làm thế nào mà tất cả những trẻ em Pháp này có
thể đợi được bốn tiếng giữa các bữa ăn. Bean sẽ trở nên khó chịu nếu
con bé phải đợi dù chỉ vài phút để được cho ăn. Chúng tôi cũng cuống
theo con bé. Nhưng tôi bắt đầu cảm thấy rằng ở Pháp, xung quanh tôi
có rất nhiều “sự chờ đợi”. Đầu tiên là Khoảng Dừng, đó là khi các cha
mẹ Pháp đợi sau khi con họ thức giấc. Giờ là đến kế hoạch bữa ăn, đó là
khi họ đợi những quãng dài từ lần cho ăn này tới lần cho ăn tiếp theo.
Và tất nhiên còn có tất cả những em bé chập chững vui vẻ đợi một cách
thoải mái trong các nhà hàng cho tới khi đồ ăn của mình được mang tới.
Người Pháp rất tài tình khi luyện được cho trẻ sơ sinh và trẻ mới tập
đi không chỉ là chờ đợi, mà là vui vẻ chờ đợi. Liệu khả năng chờ đợi này
có giải thích được sự khác biệt giữa trẻ em Pháp và Mỹ không?
Để tìm câu trả lời cho những câu hỏi này, tôi đã gửi thư điệntử cho
Walter Mischel, chuyên gia quốc tế về cách trẻ em trì hoãn sự thỏa
mãn. Ông đã 80 tuổi và là giáo sư về tâm lý học tại Đại học Columbia.
Tôi đã đọc về ông và đọc một vài trong số rất nhiều các bài báo đã xuất
bản của ông về chủ đề này. Tôi giải thích rằng tôi đang ở Paris, nghiên
cứu về cách làm cha mẹ ở Pháp và hỏi liệu ông có thời gian để trò
chuyện với tôi trên điện thoại không.
Mischel trả lời tôi vài giờ sau đó. Thật ngạc nhiên, ông nói rằng ông
cũng đang ở Paris và mời tôi ghé qua uống cà phê. Hai ngày sau chúng