người không thể viết được bất cứ cái gì mà không có một (hoặc hai) thời
hạn cuối cùng, tôi nhận ra nhu cầu phải có sự ép buộc. Nhưng việc nhìn
thấy tất cả những bức tranh gần như giống hệt nhau này quả thực đã
khiến tôi lo lắng. (Việc học vẽ của Bean trong năm thứ hai có phần tự do
hơn.)
Tôi đã phải mất một thời gian mới nhận ra rằng ở lớp học của Bean
trong năm đầu tiên thậm chí còn không có nổi một bảng chữ cái trên
tường cùng với tất cả các tranh ảnh khác. Trong buổi họp phụ huynh,
không có ai nhắc đến việc đọc. Mọi người bàn luận nhiều hơn đến việc
cho những con ốc sên trong bể nhỏ ở lớp ăn rau diếp.
Trên thực tế, sau này tôi đã khám phá ra rằng, bọn trẻ không hề
được học đọc ở trường mẫu giáo, tức là cho tới tận khi chúng 6 tuổi.
Chúng chỉ học chữ cái, âm và cách để viết tên mình. Tôi được kể cho
nghe là có một số trẻ đã tự đọc được, nhưng tôi không biết đấy là bé nào
vì các bậc phụ huynh không hề nhắc đến việc này. Học đọc hoàn toàn
không phải là một phần của chương trình học cho tới tận khi bọn trẻ vào
lớp 1, tức là khi chúng lên 7 tuổi.
Thái độ buông lỏng này chống lại niềm tin cơ bản nhất của người Mỹ,
rằng trẻ càng biết đọc sớm càng tốt. Nhưng thậm chí là các bậc cha mẹ
tân tiến nhất trong số các phụ huynh trong lớp học của Bean cũng
không hề vội vàng gì. “Tôi muốn chúng không dành thời gian cho việc
đọc bây giờ,” Marion, một nhà báo, nói với tôi. Hai vợ chồng cô ấy nói
rằng ở giai đoạn này điều quan trọng nhất mà bọn trẻ cần là học các kỹ
năng xã hội, cách tổ chức suy nghĩ và cách để nói trôi chảy.
Bọn trẻ rất may mắn. Trong khi mà việc đọc không hề được dạy ở
trường mẫu giáo thì kỹ năng nói lại rất được chú trọng. Trên thực tế, có
thể thấy rất rõ rằng mục tiêu chính của trường mẫu giáo là hoàn thiện
kỹ năng nói của trẻ ở mọi hoàn cảnh khác nhau. Cô giáo Charlotte nói
với tôi rằng những đứa trẻ nhập cư thường bắt đầu vào học trường mẫu
giáo từ tháng Chín và khi ấy vốn tiếng Pháp của chúng còn rất nghèo
nàn, thậm chí là chẳng có gì. Đến tháng Ba năm sau, nếu chưa thể nói ở
mức trôi chảy thì ít ra chúng cũng diễn đạt được điều mình muốn.
Theo người Pháp nếu trẻ có thể nói được rõ ràng, chúng cũng có thể
tư duy được rõ ràng. Thêm vào đó, để giúp củng cố và nâng cao khả
năng giao tiếp cho trẻ, trẻ em Pháp cần học cách “quan sát, đặt câu hỏi
và làm cho những câu hỏi của mình ngày càng trở nên có lý hơn. Trẻ
học cách chấp nhận một quan điểm khác với quan điểm của mình, và
luôn luôn tư duy một cách logic. Trẻ phát triển khả năng đếm, phân
loại, yêu cầu và mô tả…”