- Xin chào cậu chủ Evgheni, - ông già mở lời rồi vui sướng mỉm cười,
khiến bộ mặt ông tự dưng nhằng nhịt thêm những nếp nhăn.
- Bác đến làm gì đây? Được phái đến tìm tôi hay sao đấy?
- Xin cậu, đâu dám thế ạ! - bác Timopheich lúng búng (lão sực nhớ tới
lời dặn dò nghiêm ngặt của ông chủ trước khi lên đường). - Tôi lên tỉnh có
việc của các cụ, nghe nói cậu ở đây thì tiện đường ghé vào, nghĩa là để
được đến thăm cậu... chứ đâu có dám quấy rầy ạ!
- Thôi, đừng có nói dối, - Bazarov cắt ngang. - Lên tỉnh thì làm gì có
đường ngang qua đây được?
Bác Timopheich ấp úng rồi chẳng đáp ra sao được cả.
- Bố tôi khỏe chứ?
- Cũng nhờ Trời ạ.
- Thế mẹ tôi cũng khỏe chứ?
- Cả cụ Arina Vlaxievna cũng thế ạ, nhờ Trời phù hộ.
- Chắc các cụ mong tôi về chứ gì?
Ông lão ngoẹo mái đầu bé nhỏ của mình sang một bên.
- Ôi, cậu Evgheni, sao lại chả mong kia ạ! Có Trời chứng giám, các cụ
đang đỏ mắt chờ trông cậu về.
- Thôi, được rồi, được rồi, đừng có tô vẽ ra nữa! Bảo các cụ là tôi sắp về
đấy.
- Xin tuân lệnh cậu, - bác Timopheich thở dài, đáp.
Ra khỏi nhà, bác đưa hai tay lên kéo sụp chiếc mũ lưỡi trai xuống trán,
leo lên chiếc xe ngựa đua tồi tàn mà bác đã để lại ngoài cổng, đoạn cho
ngựa phi nước kiệu, nhưng chẳng phải là theo con đường lên tỉnh như bác
nói...
Cũng buổi chiều ngày hôm đó, bà Odintxova ngồi trong buồng mình
cùng với Bazarov, còn Arkadi thì đi đi lại lại trong phòng lớn để nghe Katia
chơi đàn. Bà công tước đã trở về buồng mình ở trên gác. Nói chung là bà
không sao chịu đựng nổi các khách khứa, nhất lại là những cái ông “khách
mới buông tuồng” này, như bà thường gọi Arkadi và Bazarov. Khi ngồi
trong các căn phòng có tính chất lễ lạc long trọng, bà chỉ mặt sưng mày sỉa,
nhưng khi về đến buồng mình, trước mặt cô hầu buồng của mình, thì đôi