bây giờ, bà Arina Vlaxievna ạ, tôi mong rằng, sau khi đã no lòng người mẹ
rồi, thì bà sẽ chăm lo đến việc làm no lòng những vị khách quý của mình,
bởi vì bà biết rằng có thực mới vực được đạo.
Bà lão nhỏm người dậy khỏi chiếc ghế bành.
- Ông Vaxili Ivanovich ạ, bàn ăn sẽ được dọn xong ngay bây giờ, tôi sẽ
thân chinh chạy xuống bếp và sẽ bảo đặt chiếc ấm xamovar lên, sẽ có đủ,
đủ hết. Đã ba năm nay tôi không thấy mặt nó, không được nấu nướng cho
nó ăn, không được rót nước cho nó uống, đâu có phải chuyện dễ?- Được
rồi, bà chủ ạ, bà liệu đấy, bà chăm lo đi, chớ để mang tiếng. Còn các quý vị
thì xin mời quá bộ theo tôi. Kìa lại có bác Timopheich đến chào con nữa
kia, Evgheni ạ. Cả cái con vện già này cũng mừng vui đấy. Sao? Cũng
mừng vui đấy chứ, con vện già? Xin mời đi theo tôi.
Thế rồi ông Vaxili Ivanovich tất tả tiến lên, kéo lệt xệt đôi giày đã mòn
vẹt.
Toàn bộ ngôi nhà nhỏ này của ông chỉ gồm sáu căn buồng bé tí tẹo. Một
trong những căn buồng ấy, nơi ông đang dẫn hai bạn trẻ của chúng ta đến
đó, được gọi là thư phòng. Một chiếc bàn có chân to tướng, trên chất đầy
những giấy má đen ngòm bụi lưu niên hệt như bị hun khói, choán mất toàn
bộ khoảng cách giữa hai khung cửa sổ. Trên tường treo những khẩu súng
Thổ Nhĩ Kỳ, những chiếc roi da, một thanh gươm, hai tấm bản đồ, những
tranh vẽ về giải phẫu gì đó, một bức chân dung của Hufeland
[49]
, những
chữ kết bằng tóc đặt trong một chiếc khung đen và một tấm văn bằng có
lồng kính. Một đivăng da đã lún và rách đôi chỗ được đặt giữa hai chiếc tủ
kếch sù bằng thứ gỗ bạch dương quý vùng Karelia. Trên những giá gỗ xếp
chật ních và bừa bộn những sách, hộp, những con chim nhồi rơm. Ở một
góc buồng là chiếc máy điện đã hỏng.
- Thưa cậu khách quý mến, - ông Vaxili Ivanovich cất tiếng, - tôi xin
thưa trước để cậu rõ rằng chúng tôi sống ở đây có thể nói là theo kiểu cắm
trại nhà binh.
- Thôi đi bố, sao bố cứ xin lỗi làm gì? - Bazarov cắt ngang. - Cậu
Arkadi thừa hiểu rằng bố con mình đâu có phải Thạch Sùng, Vương Khải
*