thiếu thốn của mình. Than ôi! Cái cậu Bazarov đã nhún vai khinh bỉ đó, cái
cậu Bazarov biết cách nói chuyện với nông dân đó (như chàng đã tự khen
mình trong khi tranh cãi với ông Pavel Petrovich), cái cậu Bazarov tự tin ấy,
đã không ngờ được rằng: trong con mắt của những người nông dân nọ, dù
sao cậu ta cũng chỉ là một cái gì đại loại như một anh hề mà thôi...
Tuy vậy, cuối cùng chàng cũng đã tìm được công việc để làm. Một hôm,
chàng đã có mặt trong khi ông Vaxili Ivanovich băng bó cho một người
nông dân bị thương ở chân. Thấy đôi tay ông lão run rẩy không sao điều
khiển được cuộn băng, chàng liền băng bó giúp ông, và từ đó trở đi, chàng
đã tham gia vào việc chữa chạy của bố, nhưng luôn mồm chế nhạo cả
những phương tiện lẫn ông bố, mặc dù ông cụ đã đem ra sử dụng ngay
những phương tiện chàng đã khuyên ông dùng. Thế nhưng những lời chế
giễu của Bazarov đã không hề khiến ông lúng túng, thậm chí còn an ủi ông
nữa là khác. Hai ngón tay giữ lấy chiếc áo choàng nhem nhuốc ở trước
bụng và ngậm tẩu hút, ông khoan khoái nghe những lời chế nhạo của
Bazarov, và những câu đùa tếu của cậu con trai càng độc địa bao nhiêu thì
ông bố sung sướng ấy lại càng cười ha hả lên một cách hiền từ bấy nhiêu,
đến nỗi có bao nhiêu chiếc răng đen đủi ông đều nhe ra hết. Thậm chí ông
còn lặp lại những lời nói đùa ấy, - đôi khi là những lời nói đùa ngây ngô hay
vô nghĩa nữa, - thí dụ như trong mấy ngày liền, ông luôn mồm nhai đi nhai
lại chẳng đâu vào đâu cái câu: “Ờ, đó là cái việc thứ chín!”. Ấy là bởi vì câu
đó cậu con trai của ông đã nói ra, khi cậu được biết ông thường đi cầu kinh
buổi sáng. “Lạy Chúa! Nó không buồn nữa! - ông thì thào với bà vợ, - hôm
nay nó xạc mình mới ghê chứ, thật kỳ diệu!”. Thế nhưng khi nghĩ tới
chuyện có được một người phụ tá như thế thì ông lại rất khoái chí và lòng
ông đầy hãnh diện. Trong khi trao một lọ thuốc nước gular hay hộp thuốc
mỡ cho một bà nông dân nào đó mặc chiếc áo dạ thô của đàn ông và đội
chiếc mũ kíchka, ông bảo bà ta: “Phải, phải, cô nàng ạ! Từng giờ từng phút
mụ phải tạ ơn Chúa đã xui khiến thằng con tôi nó về thăm tôi, cho nên bây
giờ mụ mới được chữa chạy bằng phương pháp khoa học tối tân như thế
này, mụ có hiểu thế không? Ngay hoàng đế Napoleon của người Pháp cũng
chẳng có được một thầy thuốc giỏi hơn đâu”. Còn bà nông dân kia đến để