thành thử Bazarov không chịu nổi và dọa bỏ nhà ra đi. Ông Vaxili
Ivanovich đành phải hứa không lo lắng gì nữa, và nhất là lúc này bà Arina
Vlaxievna (dĩ nhiên là ông vẫn giấu không cho bà biết tí gì) đã bắt đầu nằng
nặc truy hỏi xem tại sao ông không ngủ được và tại sao ông lại như thế này,
như thế kia v.v... Ông đã kìm mình được hai ngày trời liên tiếp, mặc dù
thỉnh thoảng ông vẫn lén nhìn mặt con và rất không hài lòng về sắc mặt cậu
ta... Sang ngày thứ ba, đến giờ ăn trưa, thì ông không sao chịu nổi nữa.
Bazarov ngồi cúi gục đầu, không đụng đến một món ăn nào.
- Evgheni, tại sao con lại không ăn uống gì? - ông hỏi, làm ra vẻ hết sức
thản nhiên. - Bố tưởng thức ăn nấu ngon lắm đấy chứ.
- Con không muốn ăn thì không ăn, có thế thôi.
- Con ăn không ngon miệng ư? Thế đầu thì sao? - ông rụt rè hỏi thêm. -
Đầu có đau không?
- Đau. Sao lại không đau đầu được?
Bà Arina Vlaxievna dướn ngồi thẳng lên và đã bắt đầu coi chừng.
- Evgheni, chớ bực tức, con ạ, - ông Vaxili Ivanovich nói tiếp, - con có
chịu để bố bắt mạch cho con xem thử không? Bazarov nhổm dậy.
- Chẳng bắt mạch con cũng có thể cho bố biết là con đang sốt.
- Cả ớn lạnh nữa chứ?
- Cả ớn lạnh nữa. Con đi nằm một chút đây. Bố bảo mang trà hoa gia
đến cho con. Chắc con bị cảm lạnh.
- Thảo nào tối qua mẹ đã nghe tiếng con ho rồi, - bà Arina Vlaxievna
nói.
- Con bị cảm lạnh đấy, - Bazarov nhắc lại rồi về buồng.
Bà Arina Vlaxievna bèn đi pha trà hoa gia khô, còn ông Vaxili
Ivanovich thì sang buồng bên cạnh lặng lẽ bứt đầu bứt tóc một mình.
Rồi ngày hôm đó, Bazarov đã không dậy được nữa, suốt đêm chàng ở
trong tình trạng gần như mê man một cách nghiêm trọng. Khoảng một giờ
sáng, chàng cố gắng mở mắt ra, thấy bộ mặt tái mét của ông bố đang cúi
xuống nhìn dưới ánh sáng cây đèn thờ, chàng bèn bảo cụ lui ra. Cụ đành
phải nghe theo, nhưng sau đó lập tức nhón bước quay lại, nép nửa mình
đằng sau đôi cánh cửa tủ mà đăm đắm nhìn vào cậu con trai. Bà Arina