Vlaxievna chải đầu cho mình, hôn tay bà, đoạn uống được đôi ba ngụm trà.
Ông Vaxili Ivanovich có tươi tỉnh lên đôi chút.
- Nhờ trời! - ông ca cẩm, - cơn bệnh biến đã đến, và cơn bệnh biến đã
qua.
- Ôi chà, bố nghĩ vậy sao? - Bazarov nói. - Từ ngữ thì có nghĩa gì! Tìm
ra từ ngữ, nói lên được từ “bệnh biến”, thế là tự an ủi được mình. Con
người vẫn còn tin vào từ ngữ thì thật là chuyện lạ đời. Bảo anh ta là đồ
ngốc, không đè gí anh ta xuống thì anh ta buồn, gọi anh ta là người khôn,
dù chẳng cho tiền, anh ta lại thấy vui.
Cái bài diễn văn ngắn ấy của Bazarov càng khiến ông Vaxili Ivanovich
mủi lòng, bởi lẽ nó gợi nhớ những câu “đùa tếu” trước đây của chàng.
- Hoan hô! Nói hay lắm, hay tuyệt đấy! - ông reo lên và ra hiệu tỏ vẻ
mình đang vỗ tay.
Bazarov buồn bã cười gằn. Chàng nói:
- Vậy theo bố thì thế nào, bệnh biến đã qua hay bệnh biến đã tới?
- Con khá hơn lên, đó là điều bố thấy, đó là điều bố vui lòng, - ông
Vaxili Ivanovich đáp.
- Ồ, thế thì hay. Vui vẻ bao giờ cũng là chuyện tốt lành. Thế còn cái bà
ấy, bố có nhớ không, cho người đi rồi chứ?
- Chứ sao, bố cho người đi rồi.
Tình hình chuyển biến tốt cũng chẳng được mấy nả. Những cơn đau lại
quay trở lại. Ông Vaxili Ivanovich vẫn ngồi cạnh Bazarov. Dường như một
nỗi khổ đau đặc biệt nào đó đang day dứt ông già. Đã mấy lần ông định nói
ra mà vẫn không sao nói được.
- Evgheni ơi! - cuối cùng ông cất tiếng, - con trai của bố, con thân yêu,
con quý mến của bố!
Lời kêu gọi khác thường đó đã tác động đến Bazarov... chàng hơi
ngoảnh mặt lại, và dường như cố gắng để quẫy ra khỏi cơn mê man nặng
trịch đang đè gí mình xuống, chàng nói:
- Gì thế bố của con?
- Evgheni, - ông Vaxili Ivanovich tiếp lời, đoạn ông quỳ xuống trước
mặt Bazarov, mặc dù chàng không hề mở mắt ra và không sao trông thấy