- Ra thế, ra thế. Nào, thế còn về những nhà bác học Nga thì hẳn là cậu
không có được sự đánh giá tâng bốc như vậy chứ.
- Có lẽ thế đấy ạ
- Đó thật là một thái độ hỉ xả rất đáng khen, - ông Pavel Petrovich vừa
nói vừa dướn thẳng người lên và ngửa đầu, ngả về phía sau. - Vậy mà tại
sao cháu Arkadi lại vừa cho chúng tôi biết cậu không thừa nhận quyền uy
nào cả? Cậu không tin vào những quyền uy đó sao?
- Mà cháu đi thừa nhận những quyền uy ấy để làm gì ạ? Và cháu tin cái
gì được ạ? Người ta cứ nói rõ sự việc ra, cháu sẽ đồng ý, có thế thôi ạ.
- Vậy người Đức cũng luôn nói rõ mọi sự việc chứ? - ông Pavel
Petrovich nói, và nét mặt ông tỏ ra hờ hững, xa xôi, dường như toàn bộ con
người ông đã bay bổng lên tận chín tầng mây.
- Họ cũng chẳng nói hết mọi việc đâu, - Bazarov đáp với một cái ngáp
ngắn, rõ ràng không muốn tranh cãi gì thêm nữa cả.
Ông Pavel Petrovich đưa mắt nhìn Arkadi, tựa hồ muốn bảo chàng rằng:
“Phải thừa nhận là anh bạn của cháu cũng nhã nhặn đấy”.
- Còn về phần tôi, - ông lại nói tiếp và không phải là không cố gắng đôi
chút để nói nên lời, - của đáng tội, tôi cũng chẳng than phiền gì về người
Đức cả. Về những người Nga gốc Đức, tôi chẳng nói làm gì, bởi vì chẳng
nói cũng rõ họ là hạng người nào rồi. Nhưng ngay cả những người Đức gốc
Đức nữa, tôi cũng chẳng thích thú gì. Trước đây thì còn khả dĩ, lúc bấy giờ
họ còn có những người đại để như Schiller chẳng hạn, rồi Goethe
[9]
...
Người anh em ạ, đấy là điều đặc biệt thuận lợi cho họ đấy... Thế còn bây
giờ thì thấy rặt những ông hóa học, với những ông duy vật...
- Một nhà hóa học nghiêm chỉnh có ích gấp hai chục lần bất cứ một thi
sĩ nào, - Bazarov ngắt lời.
- Té ra vậy, - ông Pavel Petrovich nói và hơi nhướng đôi mày, tựa hồ
lim dim ngủ. - Thế nghĩa là cậu không thừa nhận nghệ thuật?
- Nghệ thuật làm tiền thì có, nếu không thì đã chẳng làm gì có bệnh trĩ!
- Bazarov thốt lên, với một tiếng cười nhạo khinh khi.