ĐÊM TRƯỚC - CHA VÀ CON - Trang 35

Toàn bộ khuôn mặt của bà duy chỉ có đôi mắt là đẹp, nhưng thậm chí cũng
không phải là đôi mắt, đôi mắt xám và không lấy gì làm to, mà chính là cái
nhìn của đôi mắt ấy, một cái nhìn nhanh sâu thẳm, một cái nhìn nhởn nhơ
đến táo bạo, nhưng cũng lại đăm chiêu đến u sầu, một cái nhìn thật là bí ẩn.
Có một cái gì khác thường vẫn lóe sáng trong cái nhìn ấy ngay cả khi miệng
bà ta đang bô lô ba la những lời trống rỗng nhất. Bà ăn mặc khá cầu kỳ.
Ông Pavel Petrovich gặp bà trong một đêm vũ hội, và sau khi đã cùng nhẩy
với bà một điệu mazurka trong đó bà cũng chẳng nói được một câu gì cho
ra hồn, ông đã đâm ra yêu bà say đắm. Quen giành thắng lợi, chẳng bao lâu
ông cũng đã đạt được mục tiêu trong trường hợp này. Nhưng đắc thắng dễ
dàng cũng chẳng làm cho lòng ông nguội bớt, mà trái lại, ông càng thêm
quấn quýt chặt chẽ hơn, càng bị dằn vặt hơn với người đàn bà đó, một
người đàn bà mà ngay cả khi đã ưng chịu hoàn toàn đi nữa, cũng vẫn còn có
một cái gì thầm kín, xa vời đến nỗi không ai có thể xâm nhập được. Không
tài nào hiểu nổi có cái gì ẩn náu trong tâm hồn ấy! Bà ta tựa hồ như nằm
trong tay của những ma lực nào đó mà chính bà ta cũng không biết nữa.
Những ma lực này coi bà là một thứ đồ chơi tùy thích, và cái trí thông minh
ít ỏi của bà đã không sao đối phó nổi với những trò đùa rỡn của chúng.
Toàn bộ tính nết của bà thì thật là cả một lô những sự phi lý. Những bức thư
duy nhất có thể gây cho chồng bà những sự nghi ngờ chính đáng, thì bà lại
đi viết cho một người mà bà hầu như chẳng quen biết gì mấy, còn tình yêu
thì bà chỉ đáp lại bằng một nỗi sầu u: bà không cười cũng chẳng bông đùa
gì nữa với người mà bà đã để lọt vào mắt mình, và bà nghe, bà nhìn người
đó với vẻ ngỡ ngàng. Đôi khi, và phần lớn là rất đột ngột, vẻ ngỡ ngàng này
lại chuyển thành một nỗi kinh sợ lạnh lùng: mặt bà như của kẻ đã chết rồi,
trở thành man rợ. Bà tự giam mình trong buồng ngủ, và cô hầu phòng của
bà, khi ghé tai vào ổ khóa, có thể nghe thấy bà đang nức nở thầm trong đó.
Nhiều lần trở về nhà, sau mỗi lần gặp gỡ đầy trìu mến với bà ta, thì ông
Kirxanov lại cảm thấy một nỗi bực tức cay đắng như xé tâm can, một nỗi
bực tức thường nổi lên trong lòng mỗi khi bị thất bại hoàn toàn. “Ta còn
muốn gì nữa đây?” - ông tự hỏi mình trong khi trái tim ông luôn nhức nhối.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.