chính mình cũng như ở những người khác, và ông cũng chẳng có chủ
trương gì nữa cả. Ông già đi, tóc ông bạc đi. Chiều chiều đến ngồi ở câu lạc
bộ, cau có, buồn thiu, rồi tranh luận với vẻ dửng dưng trong cái hội độc
thân ấy, - điều đó đã trở thành một nhu cầu của ông, và như ta đã biết, đó là
một triệu chứng bất thường. Dĩ nhiên là ông chẳng nghĩ gì đến việc lấy vợ
nữa. Mười năm cứ như vậy trôi qua, trôi qua một cách vô vị, vô bổ và
nhanh chóng, nhanh chóng đến dễ sợ. Không nơi nào thời gian trôi nhanh
như ở nước Nga này; nghe nói trong tù nó còn trôi nhanh hơn nữa. Một
hôm, đang ăn bữa trưa trong câu lạc bộ, ông Pavel Petrovich được tin bà
công tước R. Đã chết. Bà ta qua đời tại Paris, trong tình trạng gần như mất
trí. Ông ta bèn đứng dậy, rời khỏi bàn ăn mà đi đi lại lại hồi lâu khắp các
căn phòng trong câu lạc bộ, đôi lúc dừng chân đứng lại như trời trồng bên
cạnh những người đang đánh bài. Tuy vậy, ông cũng không trở về nhà sớm
hơn lệ thường. Qua một thời gian, ông nhận được một gói gửi đến đề tên
ông và trong đó ông thấy có chiếc nhẫn mà ông đã tặng cho bà công tước.
Bà ta đã khắc hình một chiếc thánh giá lên pho tượng đầu người mình sư tử
và nhờ người nhắn lại để ông biết rằng: chiếc thánh giá chính là lời giải cho
điều bí ẩn.
Sự việc đó xảy ra vào đầu năm bốn mươi tám, đúng vào lúc ông Nikolai
Petrovich cũng mất vợ và trở lại Peterburg. Ông Pavel Petrovich hầu như
chưa gặp mặt em trai, kể từ khi ông này về nơi thôn quê, bởi vì lễ cưới của
ông Nikolai Petrovich trùng hợp với những ngày đầu tiên mà ông Pavel
Petrovich làm quen với bà nữ công tước. Hồi mới từ nước ngoài trở về, ông
đã từng đến thăm em trai với ý định ở chơi đôi tháng để ngắm nhìn cảnh
hạnh phúc của chú nó, nhưng rồi cũng chỉ ở lại vẻn vẹn được có một tuần.
Sự khác nhau giữa tình cảnh của hai anh em lúc bấy giờ quả là quá lớn.
Nhưng đến năm bốn mươi tám thì sự khác biệt đó đã giảm bớt: ông Nikolai
Petrovich đã mất vợ, còn ông Pavel Petrovich thì đã mất đi những kỷ niệm
xưa, sau khi bà nữ công tước chết đi, ông gắng gượng không nghĩ đến bà ta
nữa. Tuy nhiên, chú Nikolai vẫn còn cảm biết được phải sống cuộc đời sao
cho đúng lẽ, đứa con trai đang lớn lên như thổi trước mắt chú. Còn bác
Pavel, trái lại, là một kẻ độc thân lẻ loi, thì đã bước vào thời kỳ mơ hồ của