nước hoa gì đó rất khác thường, “thanh tao” một cách kỳ lạ; vì ông chơi bài
whist rất cừ mà bao giờ cũng thua; và cuối cùng, họ kính nể ông còn vì tính
ông ngay thẳng không chê vào đâu được. Các bà thì thấy ông là một người
đa sầu có sức quyến rũ, nhưng ông không giao thiệp gì với các bà cả...
- Đấy, cậu thấy chưa, Evgheni, - kết thúc câu chuyện của mình, Arkadi
nói, - cậu xét đoán về ông bác mình oan uổng biết bao! Ấy là mình còn
chưa nói đến chuyện nhiều lần bác ấy đã cứu bố mình khỏi cơn hoạn nạn,
dốc hết tiền nong cho bố mình, và một điều nữa có thể cậu chưa biết, là:
điền trang của các cụ, các cụ chẳng hề chia bôi gì cả. Nhưng bác ấy vui
lòng giúp đỡ bất kỳ ai, và tiện thể mình nói thêm là bao giờ bác ấy cũng
bênh vực nông dân, mặc dầu khi nói chuyện với họ quả là bác ấy hay nhăn
nhó và luôn phải hít nước hoa...
- Cũng rõ thôi, đó là vấn đề thần kinh, - Bazarov xen lời.
- Có lẽ thế, nhưng bụng dạ bác thật là tốt. Mà bác ấy cũng chẳng khờ
dại gì đâu. Bác ấy đã khuyên mình nhiều điều hết sức bổ ích... nhất là...
nhất là về quan hệ với phụ nữ.
- À-hà! Cụ ấy phải đạn thì lại đi xui người khác sợ làn cây cong. Cái ấy
ta thừa hiểu!
- Vậy, tóm lại, - Arkadi nói tiếp, - bác ấy thật là một con người bất hạnh,
cậu hãy tin là như vậy. Nếu khinh rẻ bác ấy là có tội đấy.
- Nhưng nào có ai khinh cụ ấy đâu? - Bazarov cãi lại. - Tuy vậy tớ vẫn
nói rằng một con người mà đi đặt tất cả cuộc đời mình vào con bài tình yêu
của phụ nữ, rồi khi mất con bài ấy thì lại đâm hư hỏng ra, suy sụp đến mức
chẳng còn làm được gì nữa cả, thì một con người như thế chẳng phải là đàn
ông, cũng chẳng phải là giống đực nữa. Cậu bảo là cụ ấy bất hạnh, cái đó
cậu biết rõ hơn tớ. Thế nhưng cụ ấy chưa hết thói gàn dở đâu. Tớ tin chắc
rằng cụ ấy vẫn nghiêm chỉnh tưởng tượng rằng mình là một người năng nổ
đấy, bởi vì cụ ta vẫn đi đọc tờ báo
Galignia
ấy, và mỗi tháng một lần cụ ta còn đi cứu cho một người nông dân khỏi
bị nhục hình kia mà.