nay, chính bản thân ông cũng chẳng còn có gì mà cho nữa cả, do đó ông
đành phải lánh mặt. Những chuyện làm ăn lủng củng đã khiến ông hết sức
buồn phiền, nhưng ông luôn có cảm tưởng rằng, tuy hăm hở và cần mẫn,
ông Nikolai Petrovich vẫn không sao đảm đương được đúng mức công
việc, mặc dù nếu có ai hỏi ông ông Nikolai Petrovich sai ở chỗ nào thì ông
cũng chịu không sao chỉ ra được. “Chú ấy không thực tế lắm, - ông thường
suy luận với chính mình, - chú ấy hay bị người ta lừa”. Còn ông Nikolai
Petrovich thì trái lại, đánh giá rất cao đầu óc thực tế của ông Pavel
Petrovich và bao giờ cũng hỏi ý kiến ông. “Em vốn là con người mềm yếu,
thiếu kiên quyết, cả đời sống ở nơi xa xôi hẻo lánh, - ông thường nói, - còn
anh, anh đã từng trải với biết bao loại người và điều đó không phải là vô
ích, anh hiểu rõ họ, anh có con mắt tinh đời”. Để đáp lại những lời khen đó,
ông Pavel Petrovich thường chỉ quay mặt đi, nhưng cũng không làm mất
lòng tin tưởng ấy của người em.
Để ông Nikolai Petrovich ở lại thư phòng, ông Pavel Petrovich một
mình đi theo hành lang ngăn cách phần trước và phần sau nhà và khi đi
ngang qua một khung cửa thấp, ông dừng bước đắn đo, đưa tay rứt ria mép
rồi gõ cửa buồng.
- Ai đấy? Cứ vào, - tiếng Pheneska vang lên.
- Tôi đây, - ông Pavel Petrovich nói đoạn mở cửa ra.
Pheneska đang ẵm con ghé ngồi xuống ghế bèn đứng bật dậy, đưa thằng
bé cho một cô gái để cô ta bế ngay nó ra khỏi buồng rồi vội vã sửa lại tấm
khăn bịt đầu.
- Tôi xin lỗi nếu đã làm phiền cô, - không nhìn vào Pheneska, ông Pavel
Petrovich mở lời, - tôi chỉ định nhờ cô... chắc hôm nay cô có cho ai lên
thành phố... cô bảo mua chè xanh cho tôi.
- Thưa vâng ạ, - Pheneska đáp. - Bác ra lệnh mua bao nhiêu ạ?
- Thì cũng chỉ nửa phuntơ
*
là đủ, tôi nghĩ vậy. Buồng này của cô, tôi
thấy cũng có sự thay đổi rồi đấy, - ông nói thêm, sau khi đã thoáng đưa mắt
nhìn quanh, lướt qua cả mặt Pheneska. - Kia đã có rèm che, - ông nói tiếp vì
thấy cô ta chưa hiểu ý ông nói.