- Thôi, thưa các vị, xin các vị chớ nói đến cá nhân! - ông Nikolai
Petrovich kêu lên và nhổm dậy.
Ông Pavel Petrovich mỉm cười, đặt một tay lên vai ông em, buộc ông ta
phải ngồi xuống như cũ.
- Chú cứ yên chí, - ông nói. - Anh sẽ không mất bình tĩnh đâu, đó chính
là nhờ ở cái ý thức về phẩm giá mà ông... ông bác sĩ đây đang giễu cợt một
cách tàn nhẫn. Xin phép cậu, - ông lại quay về phía Bazarov nói tiếp, - có lẽ
cậu tưởng rằng học thuyết của cậu là mới mẻ lắm sao? Đó chỉ là cậu uổng
công tưởng tượng ra thôi. Cái chủ nghĩa duy vật mà cậu đang truyền bá
nhiều lần xuất hiện rồi, và lần nào nó cũng đều tỏ ra là không xác đáng...-
Lại một từ nước ngoài rồi! - Bazarov ngắt lời. Chàng đã bắt đầu giận dữ,
gương mặt chàng đã chuyển sang một màu gì đó giống như màu đồng thô
bạo. - Một là, chúng cháu không hề truyền bá gì hết, không quen đi làm
chuyện đó...
- Vậy các cậu làm cái gì?
- Chúng cháu làm thế này này. Trước hết là trong thời gian mới đây
thôi, chúng cháu nêu lên rằng các quan lại của chúng ta ăn của đút, rằng
nước ta chẳng có đường sá, chẳng có thương mại, chẳng có tòa án cho đúng
đắn...
- Vâng, phải rồi, phải rồi, các cậu là những người đi tố giác, - hình như
danh từ người ta gọi như thế thì phải. Tôi cũng tán thành nhiều điều tố giác
của các cậu, nhưng...
- Nhưng sau chúng cháu thấy ra được rằng, nếu chỉ bàn tán, nếu chỉ bàn
hươu tán vượn về những ung nhọt của chúng ta thì cũng chẳng ích gì, sẽ chỉ
đi đến chỗ nhàm tai và khống luận mà thôi. Chúng cháu thấy rằng ngay cả
những người thông minh tài trí chúng ta, tuy được mệnh danh là những
người tiên tiến và những nhà tố cáo, thì cũng chẳng đi đến đâu, và thấy rằng
chúng ta chỉ làm chuyện nhảm nhí, chúng ta chỉ bàn luận về một thứ nghệ
thuật nào đó, về trí sáng tạo không tự biết, về chế độ đại nghị, về chế độ
trạng sư và về gì gì nữa có quỷ biết được, trong khi vấn đề lại là làm sao có
cơm ăn áo mặc, khi một tình trạng mê tín cực kỳ hủ lậu đang bóp nghẹt
chúng ta, khi tất cả các công ty cổ phần của chúng ta đều phá sản chỉ vì một