Vậy mà Diệp Tĩnh Hiên đã tạo dựng được chỗ đứng của mình. Tác
phong của vị tân Đường chủ này khiến mọi người đau đầu. Có mấy lần anh
dám nổ súng, chẳng thèm nể mặt ai, khiến người của Kính Lan Hội ở tỉnh
Nam rơi vào hoàn cảnh nguy hiểm. Nguyễn Vi còn nhớ câu chuyện người
giúp việc kể. Trước lúc qua đời, chú Diệp thở dài, bảo anh ngông nghênh
như vậy, sớm muộn cũng xảy ra chuyện. Diệp Tĩnh Hiên nói với bố: “Đi
theo con đường nguy hiểm là một bản lĩnh không phải ai cũng có.”
Diệp Tĩnh Hiên biết rõ, một khi sinh ra trong gia tộc xã hội đen thì chẳng
có ai “sạch sẽ”, nếu đã nhúng chàm thì đừng mong cuộc sống yên ổn. Nguy
hiểm cũng có cái hay của nó, mỗi bước đi đều không có đường lùi. Cho tới
hôm xảy ra chuyện, anh đã làm những việc mình muốn, cuộc đời không có
gì tiếc nuối. Thậm chí, anh đã thốt ra điều mình muốn hỏi, chỉ là cô không
kịp trả lời mà thôi.
Trong lúc thất thần, mặt dây chuyền và chiếc lược tuột khỏi tay Nguyễn
Vi rơi xuống đất. Tuy nhiên, cô chẳng có sức mà nhặt lên.
Nghe thấy tiếng động, Nghiêm Thụy ở tầng trên gọi lớn tiếng: “Nguyễn
Vi!”
“Em không sao.” Cô đứng dậy đóng cửa rồi ngôì bệt xuống nền nhà, giơ
tay ôm mặt. Có câu nói, con người có khả năng tự chữa lành vết thương rất
tốt, không gặp và nghĩ đến những chuyện hoặc người của quá khứ, tất cả sẽ
dần phai nhạt, bao nhiêu oán thù cũng sẽ qua đi. Con người sống trên đời,
bẩm sinh có tính lãng quên.
Nhưng Nguyễn Vi thật sự không hiểu, tại sao thời gian trôi qua lâu như
vậy mà cô vẫn nhớ rõ từng câu nói của Diệp Tĩnh Hiên?
Trằn trọc cả đêm, hôm sau đợi Nghiêm Thụy đi làm, Nguyễn Vi mới ra
cửa hàng.