gả cô bé Nguyễn cho Tam ca. Khi ấy, cô mới tám, chín tuổi, vẫn còn ngu
ngơ nên những điều nghe thấy và nhìn thấy đều coi là thật.
Thời đó, tỉnh Nam vẫn còn giữ nhiều tập tục thời phong kiến, đặc biệt là
gia tộc hắc đạo hiển hách như nhà họ Diệp. Ba đời xuất hiện một thiếu gia
vô pháp vô thiên, trong nhà từ bé đến lớn, kể từ người quản gia ngoài sáu
mươi tuổi cũng phải gọi anh là “Tam ca”. Vì thế đến lúc trưởng thành, bên
cạnh Diệp Tĩnh Hiên chắc chắn không thể thiếu phụ nữ. Bản thân Nguyễn
Vi xuất thân tầm thường, lại là cô bé thật thà, ngoan ngoãn, nhưng về
phương diện này, cô lại rất để tâm. Nghe người giúp việc tán gẫu, nói Diệp
Tĩnh Hiên thích Nguyễn Vi như vậy thì có thể giữ bên mình, tương lai cưới
một cô gái môn đăng hộ đối khác về làm bà chủ, cô dỗi anh mấy ngày liền.
Biết cô không vui, Diệp Tĩnh Hiên răn đe, ai còn nói nhăng cuội sẽ xé
miệng người đó.
Trước hôm xảy ra chuyện, Diệp Tĩnh Hiên bảo hôm sau trốn học đưa cô
ra biển chơi. Nghe đám vệ sĩ nói Tam ca có bạn gái ở trường, cô tưởng thật
nên không thèm để ý đến anh. Diệp Tĩnh Hiên véo má cô, cố ý cúi thấp
xuống, cất giọng mờ ám: “A Nguyễn, anh chỉ có mình em thôi. Em lớn
nhanh lên, anh sẽ chứng minh cho em thấy.”
Đáng tiếc sự đời khó lường, cô bị bỏ rơi ở nhà kho bốc cháy. Suốt mười
năm không gặp, anh đã không có cơ hội chứng kiến cô trưởng thành, cũng
chẳng thể chứng minh cho cô thấy.
Nguyễn Vi nghĩ, đấy chắc là câu thổ lộ tình cảm dịu dàng nhất mà cô
nghe được trong cuộc đời, khiến cô rung động còn hơn cả câu “thiên trường
địa cửu”. Tất nhiên, cô không ngây thơ đến mức cho rằng Diệp Tĩnh Hiên
thủ thân trong từng ấy năm. Từ giọng điệu của Hạ Tiêu, Nguyễn Vi có thể
nhận ra anh thật lòng với cô ta. Vì vậy, cô mới nhất thời không thể kiềm chế
bản thân. Đúng là những lời hứa ở thời niên thiếu chẳng đáng tin chút nào.