Nhưng chính xác ra, người đau khổ tột cùng phải kể đến Bệ Hạ, chỉ qua
một đêm, mà tóc người bạc trắng.
Người ngồi một mình trong điện Triêu Dương, lặng lẽ không hề quan tâm
đến bất kì ai.
A Mục quỳ rất lâu ngoài điện, song cũng chẳng được người triệu kiến.
Bệ Hạ xuống chiếu mai táng cho Triêu Dương ở Du Lăng.
Nơi ấy là lăng tẩm của ngươi, tất cả được xây dựng theo lễ chế của
Hoàng đế, cũng bởi công trình đồ sộ, nên mãi mà chưa hoàn thành, giờ đây
chỉ dùng làm nơi mai táng cho đứa con gái nhỏ người hằng yêu thương.
Triều thần và muôn dân cùng xôn xao, tranh chấp không ngừng, sau cùng
Bệ Hạ buộc phải bỏ bớt tượng trước lăng tẩm đi, thu hẹp chiều dài mộ đạo
lại, chỉ cốt làm lắng đi sự bàn tán xì xào.
Mười ngày không thiết triều, trăm ngày quốc tang, Bệ Hạ vận dụng tất cả
các lễ chế với những cách thức được phép lẫn không được phép để truy
điệu Triêu Dương, nhưng trên thực tế chuyện triều chính không chỉ ngưng
có mười ngày, bởi từ đó trở về sau, Bệ Hạ không còn ra triều nữa.
Tấu chương từ quan lại các cấp chất thành chồng tại Trung Thư Môn Hạ
Tỉnh, Thái Phó không nén được than ngắn thở dài với A Mục, nhiều lần A
Mục tiến cung, song vẫn không được Bệ Hạ triệu kiến. Tôi biết A Mục lo
lắng vô cùng, nhưng cũng chỉ đành an ủi: “Đợi Bệ Hạ vượt qua nỗi đau này
rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi.”
Thế nhưng trong cung ai mà chẳng biết, nỗi đau này Bệ Hạ mãi mãi
không bao giờ vượt qua. Bệ Hạ hệt như đã trở thành một con người khác,
chẳng còn hứng thú với bất kì ai, bất kì việc gì. Nếu như nói trước đây
người là vị vua lạnh lùng, có hoài bão lớn, thì giờ đây vị vua ấy chỉ còn là
một người cha có trái tim nguội lạnh âu sầu.