này, chiếc gậy như cái chân thứ ba trợ lực khi lên dốc, và ghìm
cho bước chân khỏi trượt khi xuống dốc.
Từ dốc Năm Thang, đi thêm nửa ngày nữa lại qua dốc Ba
Thang. Vách núi ở đây nối nhau bằng ba thang. Sau dốc Ba
Thang là một vùng địa hình hiểm trở. Trải tấm bản đồ ra,
Ngọc nhận thấy núi đã không có đường bình độ để xác định độ
cao, vào sâu phía trong, thậm chí bản đồ chỉ thể hiện được
phân thủy của các dãy núi lớn trông như những cành cây khô,
các sông suối lớn và một vài địa danh quan trọng. Máy móc đo
đạc không có, bản đồ cũng không có gì thể hiện độ cao, vậy
phải làm gì để vẽ trắc dọc tuyến phục vụ thiết kế đây? Ngọc đề
nghị Hồng cho buộc dây võng vào hai đầu gậy, căng dây theo
tuyến, dùng thước đo độ và dây dọi để đo độ dốc, rồi từ đó theo
công thức lượng giác mà tính ra độ chênh cao. Hồng đồng ý.
Tuy nhiên chỉ sau vài giờ, Ngọc đã thấy bất ổn vì nó quá chậm
mà độ chính xác cũng không đáng tin cậy. Ngọc quyết định
dừng cách này, và chuyển sang một cách khác, và anh đặt tên
cho nó là "Đếm bước chênh cao". Những đoạn dốc không có bậc
thì ước lượng độ chênh cao. Những đoạn có bậc thì đếm số bậc
nhân với chiều cao trung bình mỗi bậc. Trên từng đoạn phải
ghi chép lại cẩn thận chiều vẽ phác lên giấy làm cơ sở để vẽ trắc
dọc tuyến. Để tăng độ tin cậy, Ngọc hướng dẫn Huy và Dũng
cùng làm để so sánh, đối chiếu. Xem ra kết quả là chấp nhận
được.
Một buổi chiều, tổ khảo sát nghỉ lại trạm giao liên. Trạm
giao liên trên Trường Sơn thường là chỗ lính các đơn vị khác
nhau đi tìm đồng hương. Ở chiến trường gặp đồng hương tỉnh
đã quý, đồng hương huyện xã, dù ở nhà không biết nhau thì
cũng có thể tâm sự hàng giờ. Nghe nói có một Tiểu đoàn lính
Hà Nội, Ngọc lang thang trên bãi khách tìm người quen. Chẳng
phải tìm lâu, anh đã nhận ra Khuyến, người bạn học cùng lớp