trên võng mà giấc ngủ cứ chập chờn đến hai ba giờ sáng mới
thực sự chợp mắt được. Trằn trọc mãi rồi cũng đến phiên gác.
Cả tổ khảo sát đã chìm sâu vào giấc ngủ. Tiếng sương gõ nhẹ
lên lá cây lộp bộp. Bầy đom đóm lập lòe bay. Những cơn gió
rừng se sắt khua động làm cho vòm trời sao thoắt ẩn thoắt hiện
sau tán lá. Dòng suối róc rách và tiếng những con chim rừng
đêm kêu "thú thí thù thì", "chót thì bóp, chót thì bóp" khiến cho
đêm Trường Sơn như có cái gì đó rất sâu và huyền bí. Đeo khẩu
AK trước ngực, Ngọc bỗng cảm thấy vui vui vì bây giờ trông
mình chắc ra dáng một người lính thực thụ.
Ngày hôm sau, người dẫn đường cho biết con đường mòn
họ đang đi sẽ rẽ lên rất cao phía đỉnh núi, nên tổ khảo sát quyết
định cắt rừng theo phương vị để giữ một cự ly cần thiết với
đường ô tô. Khi trời sắp tắt nắng, họ mới đến được một bản
người Lào Thơơng(*). Cả ngày cắt rừng, vừa đi vừa phát tuyến,
gai cào, muỗi, vắt khiến ai cũng mệt lử. Vậy mà khi đem gạo ra
nấu cơm mới biết nước ở đây rất hiếm. Mỗi nhà chỉ còn một
ống bương để dùng qua đêm. Khi hỏi chỗ lấy nước, anh
Chuyên gia dịch lời ông chủ nhà rằng: Nước ở xa lắm, đi lấy
nước phải mất nửa ngày. Gần đây có nước, đồng bào vẫn dùng,
nhưng sợ bộ đội dùng không quen. Mọi người trong tổ khảo sát
mừng lắm. Lính tráng quen chịu gian khổ, nước dân Lào dùng
được thì bộ đội chẳng có gì phải ngại cả. Thế là Hồng cử Ngọc
và Dũng đi lấy nước, những người còn lại ở nhà hái rau rừng
chuẩn bị nấu cơm. Một người đàn ông trong bản dẫn Ngọc và
Dũng đi theo một lối mòn nhỏ vào sâu trong rừng. Đi chừng
hơn nửa giờ thì tới một khe suối cạn. Qua khỏi tảng đá lớn,
người đàn ông chỉ cho họ một vũng nước. Có vẻ như có một
mạch ngầm rất nhỏ đang ngấm nước từ trong khe đá ra, tuy
nhiên, cả hai đều thấy ái ngại vì lá cây rụng xuống thành lớp
dày dưới đáy, khiến cho nước như ngả sang màu đen. Thấy hai
anh bộ đội chần chừ, người dân bản ra hiệu cho họ đây chính