chứ. Đúng không?". Cả tổ cười vui: "Mệt thật, nhưng coi như
thủ trưởng chỉ huy chính xác". Họ giở bản đồ đối chiếu. Đây
gần bản Na Tăng rồi. Khu vực hay bị bom đánh thế này liệu đặt
kho có an toàn không? Hồng quả quyết: Phải đi vào sâu hơn
nữa. Địa hình thuận tiện cho xe chở ống và chở bể nên vẫn giữ
được bí mật. Họ đi thêm một đoạn nữa thì vào đến rừng già.
Theo vệt bánh ô tô thêm chừng một cây số, gặp một kho trung
chuyển lớn. Hàng hóa quân trang, lương thực tới hàng ngàn
tấn được xếp ngay ngắn trên những giá chắc chắn làm bằng cây
rừng. Còn đạn và những thứ dễ cháy nổ thì để dưới hầm.
Những kho ở Trường Sơn như thế này được bố trí theo cung
vận chuyển của binh trạm. Rồi từ kho lớn, sẽ chuyển về các
đơn vị thành kho nhỏ. Địa hình xem ra khá thuận lợi nên chỉ
đi thêm một đoạn nữa là tìm được một rừng cây to có thể bố trí
kho xăng. Họ thiết kế tại chỗ hệ thống đường ống trong kho và
vị trí đặt bể chứa. Những kho xăng ở Trường Sơn đều chôn
dưới đất. Mỗi hố thường chôn bốn bể sắt, mỗi bể hai mươi lăm
mét khối. Các bể này được nối với nhau bằng hệ thống đường
ống. Bởi vậy, các kho xăng của hệ thống đường ống đều phải
đặt dưới tán cây lớn kín đáo, bảo đảm không để địch phát hiện
hố đào và giữ được bí mật khi xe chở bể, chở ống vào kho. Các
hầm chứa bể phải cách nhau một cự ly đủ lớn để nếu bị bom
đánh, một quả bom khoảng năm trăm cân không thể phá một
lúc hai hầm. Kho được đặt tên là A3, nhưng sau này, quen gọi
là kho Na Tăng, tổng khối lượng năm trăm mét khối. Đây là
một kho rất quan trọng vì nó là kho xăng đường ống đầu tiên
của Đoàn 559.
Thục treo xắc cốt và khẩu súng ngắn lên một nhũ đá trong
hang rồi nằm lăn ra sạp. Hôm nay anh mới có thời gian cảm
được sự mệt nhọc sau hơn một tháng thi công cật lực tuyến từ
kho B1, chân phía đông dãy Trường Sơn, sang kho A3. Anh
nhìn lên trần hang và điểm lại nỗi vất vả của Tiểu đoàn trong