đánh phá ác liệt để đưa những chiếc bể sắt hai mươi lăm mét
khối và những chiếc ống dài sáu mét kềnh càng đến bản Na
Tăng. Từ khi người Pháp đục núi thành Cổng Trời đến nay, đã
có hàng ngàn chuyến xe vận tải sang Lào chui qua Cổng Trời.
Những chiếc Star cũng có thể qua được, nhưng khi đã chở bể
xăng và ống trên lưng thì trần Cổng Trời quá thấp xe chở bể
không thể đi qua, và cua quá gấp, xe ống vướng cột cổng không
thể xoay xở được. Vậy là phải phá Cổng Trời. Cái hang mỏng
mảnh xinh xinh lại gắn với cái tên rất ấn tượng bị phá đi thì
cũng tiếc thật. Nhưng rõ ràng với sự phát triển của giao thông
vận tải thì trước sau nó cũng không thể tồn tại. Một Tiểu đoàn
công binh trong bốn ngày đã nổ mìn cải tạo đường ô tô ở khu
vực Cổng Trời ở những chỗ đường quá hẹp và cua quá gấp để
xe chở ống, chở bể có thể đi qua. Hôm nay đã thông từ kho B1
đến A3. Thục đã đích thân kiểm tra toàn tuyến. Giờ có thể nghỉ
lấy sức để ngày mai thử rửa.
Lê Trọng điểm lại các thành phần trong sở chỉ huy vận
hành: Đại diện các Ban Tham mưu, Kỹ thuật, Chính trị, Hậu
cần đã có mặt đủ. Bộ phận kỹ thuật đã cử người chốt ở các
trạm bơm, ở những điểm xung yếu trên tuyến. Hồng phải đi
khảo sát tiếp tuyến từ Na Tăng vào phía trong. Bù lại, chỉ huy
kỹ thuật ở nhà đã có Lê Khôi, cũng là một kỹ sư học ở Liên Xô
về. Trước khi trở lại bản Na Tăng khảo sát tuyến, Hồng đã kịp
cùng các kỹ sư điều chỉnh lại vị trí các trạm bơm nên nước đã
vượt qua đỉnh đèo Mụ Giạ. Hôm nay sẽ thử rửa toàn tuyến để
bơm xăng. Lê Trọng yêu cầu kiểm tra kỹ lại đoạn tuyến vượt
đỉnh đèo, tuyến qua các lèn đá phía tây, và nhất là đoạn cắt qua
đường ô tô. Khi các cửa van báo về đều đã sẵn sàng, Lê Trọng
ra lệnh nổ máy. Ở X42, khi ra lệnh vận hành lần đầu, ông có
nỗi hồi hộp của người được giao trọng trách lần đầu tiên trong
lịch sử quân đội chỉ huy vận hành đường ống trong chiến
tranh phá hoại. Còn lần này, cảm giác của ông cũng khó tả.