nhìn anh ngơ ngác không hiểu, Ngọc đành bắt tay anh ta thêm
lần nữa. Tức thật, ngôn ngữ bất đồng đã ngăn trở sự diễn đạt
tình người tối thiểu. Ngọc tự đặt cho mình quyết tâm phải học
tiếng Lào. Nhưng trước mắt, từ đầu tiên cần biết là hai tiếng
"cảm ơn". Ngay khi gặp Chuyên gia của huyện, anh hỏi:
- Cảm ơn tiếng Lào nói thế nào hả anh?
- Khóp chảy - Người chuyên gia vui vẻ trả lời.
- Tôi muốn học tiếng Lào, anh có thể chỉ cho tôi cách học
được không?
- Rất sẵn lòng. Nếu cậu còn công tác lâu trên đất bạn thì rất
nên học.
Anh chuyên gia lấy trong tủ một cuốn sách mỏng in bằng
giấy đen "Tự học tiếng Lào", rồi vui vẻ:
- Tôi cho cậu cuốn sách này. Có ý thức học là tốt rồi. Tối
nay tôi sẽ dạy cậu cách học. Trông chữ Lào ngoằn ngoèo như
giá đỗ thế thôi, nhưng dễ học lắm, vì nó là chữ ghép vần chứ
không phải học chữ nào đọc được chữ ấy như tiếng Trung
Quốc.
Ngay tối đó, Ngọc được người Chuyên gia hướng dẫn
những điều sơ đẳng nhất về chữ Lào. Ngọc vô cùng thích thú
về cách cấu tạo thông minh trong chữ Lào. Các nguyên âm có
những vị trí cụ thể quanh phụ âm: có thể đứng trước, đứng
sau, trên, dưới, thậm chí bao xung quanh phụ âm. Với cấu tạo
chặt chẽ như vậy, giữa các dấu chấm, dấu phảy, các từ có khi
không cần phải tách rời vẫn có thể đọc và hiểu được. Thêm
nữa, đây là ngôn ngữ đơn âm, ngữ pháp rất giống ngữ pháp
Việt Nam nên dễ học. Từ hôm đó, Ngọc say sưa học nói và đọc
tiếng Lào. Tối nghỉ lại bản Lào, anh lại giở sách ra học. Nếu có