thở. Đường vừa hẹp, vừa dốc, có lúc chiếc máy bơm như muốn
trượt khỏi đường, dệ xuống sườn dốc. Những lúc như vậy,
chiếc máy ủi lại rồ hết ga nhích lên từng tấc. Nó như một
người đang cố sức đưa tay cứu một người sắp rơi xuống vực.
Chỉ bốn trăm mét đường dốc, mà chiếc máy ủi phải mất một
ngày cật lực mới đưa được hai máy bơm vào vị trí trên cao. Đó
thực sự là một kỳ tích. Khi hoàn thành nhiệm vụ, người lái
máy bước ra khỏi xe, mồ hôi nhễ nhại, trên khuôn mặt vẫn
chưa dãn hết những nếp nhăn căng thẳng. Anh nói rằng không
hiểu khi cần đưa những chiếc máy này ra khỏi vị trí sẽ làm thế
nào, vì đưa máy xuống khó hơn kéo máy lên rất nhiều. Trưởng
ban kỹ thuật Lê Khôi bắt tay anh rất chặt: "Cảm ơn anh. Thế
này là tốt lắm rồi. Có thể nó sẽ nằm đó đến hết chiến tranh".
Tiểu đoàn Công binh 73 được giao nhiệm vụ dùng sức
người chuyển ống, phụ kiện và bể cao su vào vị trí. Giữa mùa
mưa ở tây Trường Sơn, những con đường dốc trơn như đổ mỡ.
Hàng ngàn bước chân của những người lính vác ống, chuyển
bể cao su nối nhau bấm xuống, khiến cho con đường bùn lầy
ngập ngụa. Họ phải bước từng bước rất thận trọng, một vai vác
ống, tay kia bám chặt vào những cây ven đường. Đã có người
tuột tay, ngã lăn theo triền dốc, và chiếc ống thép lao theo đâm
ngang sườn. Những đoạn quá dốc, ống được buộc vào dây, thả
dần xuống. Những trận mưa rừng không chỉ làm sạt đường vác
ống, đẩy những khối đá lở trên triền dốc lăn xuống đè bẹp
tuyến ống đã lắp, nó còn mang đến những cơn lũ bất chợt, xới
tung, giật đứt những đoạn ống đã được chôn xuống lòng khe.
Sau hơn hai tháng vật lộn với địa hình và thời tiết khắc
nghiệt, tuyến Q200-Q3 dài hai mươi cây số đã dần hình thành.
Đó cũng là lúc bác Bảo cùng toàn bộ số kỹ sư, cán bộ kỹ thuật
của cơ quan dân sự được lệnh rút khỏi Công trường 181.